PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

06/07/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ghi nhận về năm học đầu tiên triển khai Chương trình sách giáo khoa lớp 1 tại Ngân Sơn
Nhờ có sự chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết nên trong năm học đầu tiên (năm học 2020 - 2021) triển khai Chương trình sách giáo khoa (SGK) lớp 1, huyện Ngân Sơn cơ bản đạt được mục tiêu đề ra.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Để triển khai hiệu quả Chương trình, huyện đã bố trí những giáo viên có nhiều kinh nghiệm và được bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ để giảng dạy đối với lớp 1. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến, triển khai đầy đủ các văn bản của cấp trên, huyện chủ động sắp xếp, bố trí cơ sở vật chất cho phù hợp với điều kiện từng trường và mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học. Cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 1 được tập huấn đầy đủ về Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và sử dụng sách giáo khoa (SGK) lớp 1. Địa phương chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh. Nhờ đó, năm học đầu tiên thực hiện Chương trình SGK lớp 1 tại huyện Ngân Sơn cơ bản được thuận lợi và đạt được mục tiêu đề ra; giáo viên bắt nhịp được với sự đổi mới; học sinh hoàn thành chương trình học, mạnh dạn tự tin hơn khi tiếp cận tri thức.

Giáo viên giảng dạy một tiết học đối với lớp 1 tại Trường Tiểu học Thượng Quan, huyện Ngân Sơn

Theo ghi nhận tại Trường Tiểu học Vân Tùng, trong năm học 2020 - 2021, trường có 5 lớp 1 với 84 học sinh. Chuẩn bị cho việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, trường tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu kỹ Chương trình và thành lập hội đồng lựa chọn SGK lớp 1 sử dụng từ năm học 2020 - 2021. Cùng với đó, nhà trường đã sắp xếp`, bố trí đội ngũ giáo viên; kiểm tra, rà soát và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có. Để có đủ SGK cho học sinh, nhà trường đã tiến hành đăng ký sách SGK trước khi vào năm học mới, đảm bảo mỗi học sinh có 1 bộ SGK.

Cô giáo Hoàng Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Tùng cho biết, chất lượng giáo dục học sinh lớp 1 của trường trong năm học vừa qua đã đạt được mục tiêu đề ra. Giáo viên được tập huấn đầy đủ nên nắm chắc tinh thần đổi mới và nội dung Chương trình. Nhiều giáo viên có phương pháp dạy học linh hoạt, gắn với thực tế cuộc sống đã giúp cho học sinh tiếp cận kiến thức được nhanh và hiệu quả hơn. Đa số các em học sinh hào hứng bắt nhịp được với môi trường giáo dục mới, chủ động trong việc học, không những đọc thông, viết thạo mà còn mạnh dạn, tự tin làm chủ hoạt động học tập của mình.

Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy lớp 1 tại Trường Tiểu học Vân Tùng, cô giáo Nguyễn Thu Huyền nhận xét, Chương trình và SGK mới thiết kế theo hướng tăng hoạt động trải nghiệm, học sinh được nói, được làm, được thể hiện năng lực nhiều hơn. Nhờ đó, các em chủ động lĩnh hội kiến thức và tự tin hơn nhiều, đây là điểm khác biệt cơ bản so với các khóa học trước.

Cũng do là năm học đầu tiên tiếp cận với Chương trình mới nên không tránh khỏi những bất cập, khó khăn, vướng mắc. Nội dung bài học môn Tiếng Việt còn dài, cách sắp xếp nội dung kiến thức đôi khi chưa hợp lý nên học sinh khó tiếp thu. Về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học còn thiếu so với yêu cầu thực tiễn; trình độ nhận thức của học sinh không đồng đều nên cũng phần nào khó khăn trong việc dạy và học. Bước vào lớp 1, các em học sinh còn bỡ ngỡ và xa lạ với các hoạt động ở trường tiểu học, ngay từ những buổi học đầu tiên, giáo viên đã phải rèn luyện cho các em nền nếp và kỷ luật. Chính vì vậy, trong thời gian đầu năm học, cả thầy và trò đều rất khó khăn để hoàn thành khối lượng kiến thức, nhất là đối với môn Tiếng Việt theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kết thúc năm học đầu tiên, cô giáo Nguyễn Thu Huyền - Giáo viên dạy lớp 1A1, Trường Tiểu học Vân Tùng chia sẻ một số kinh nghiệm giảng dạy Chương trình mới, đó là bản thân người giáo viên cần tham gia đầy đủ các đợt tập huấn, tích cực nghiên cứu, tìm hiểu về Chương trình. Ngoài ra, cần tuyên truyền tới phụ huynh về những điểm mới và tính ưu việt của Chương trình GDPT 2018; thường xuyên tìm hiểu, nắm rõ đặc điểm học sinh lớp mình phụ trách để có phương pháp dạy học phù hợp. Cô Huyền cũng thường xuyên ghi chép nhật ký từng tiết dạy để cùng chia sẻ, trao đổi với đồng nghiệp và Ban Giám hiệu nhà trường, qua đó trau dồi thêm các kỹ năng nghề nghiệp. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, người giáo viên cần tranh thủ ứng dụng công nghệ thông tin để mang đến cho các em những tiết học thú vị và hấp dẫn…

Theo ghi nhận chung, trong năm học vừa qua, huyện Ngân Sơn đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra. Thời gian tới, huyện tiếp tục bám sát lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018; rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; tuyên truyền đến chính quyền địa phương, phụ huynh học sinh về việc triển khai, thực hiện Chương trình GDPT mới./.

Ngọc Tú