PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

17/03/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Giữ màu xanh cho rừng thành phố
Tập trung làm tốt công tác trồng, chăm sóc, phát triển rừng; tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy bảo vệ rừng; nâng cao hiệu quả quản lý, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại rừng… là những biện pháp được thành phố Bắc Kạn quan tâm thực hiện trong thời gian qua.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Người dân xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn chăm sóc rừng quế

So với các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, diện tích rừng ở thành phố Bắc Kạn không lớn nhưng có vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Vì vậy, việc giữ rừng phòng hộ, đặc dụng, phát triển rừng sản xuất gắn với bảo vệ sinh thái, góp phần thúc đẩy đời sống của người dân là rất cần thiết. Đây là vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài cho mục tiêu phát triển bền vững.

Hiện thành phố Bắc Kạn có 9.560,63 ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên trên 4.541 ha, rừng trồng trên 5.019 ha. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2021 trên địa bàn thành phố là 66,7%. Những năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn thành phố luôn được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện quyết liệt. Thành phố cơ bản khắc phục được những tồn tại trong công tác quản lý đất rừng, đất lâm nghiệp... nên không xảy ra tình trạng “mất” rừng.

Tuy nhiên, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương ngày càng cao đang tạo sức ép lên rừng và đất lâm nghiệp. Mặt khác, thu nhập trên mỗi héc ta đất lâm nghiệp thấp hơn rất nhiều so với các hoạt động kinh tế khác cũng đang đặt ra nhiều vấn đề với ngành Lâm nghiệp thành phố. Cùng với đó, đa phần rừng trồng tại thành phố vẫn chủ yếu là các loài cây như keo, mỡ… và thu hoạch trong ngắn hạn nên giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế từ rừng còn thấp. Rừng trên địa bàn phần lớn được trồng thông qua các chương trình, dự án và người dân tự trồng, chủ yếu là rừng trồng hỗn giao, có một số diện tích trồng thuần loài nên khả năng phòng hộ, giữ và điều tiết nước kém, khô kiệt về mùa khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao…

Để nâng cao chất lượng rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, thành phố đã thực hiện công tác quản lý rừng theo quy hoạch 3 loại rừng (rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng sản xuất) được phê duyệt; gia tăng diện tích, năng suất rừng trồng; tăng cường các hoạt động nông lâm kết hợp và sử dụng có hiệu quả các diện tích đất trống phù hợp cho phát triển lâm nghiệp, đáp ứng cơ bản về nhu cầu sản xuất các sản phẩm gỗ và lâm sản khác...

Cụ thể, trên cơ sở thực tế 3 loại rừng, thành phố đã có định hướng và cơ chế chính sách làm giàu rừng khác nhau. Ví dụ, đối với rừng phòng hộ thì tập trung làm tốt việc khoanh nuôi, bảo đảm đa dạng sinh học, trồng bổ sung các loại gỗ lớn, gỗ quý tạo nhiều tầng thảm thực vật. Còn với rừng trồng, thành phố không đặt vấn đề lấy trữ lượng để phục vụ công nghiệp chế biến gỗ mà hướng tới trồng các loại cây gỗ lâu năm, qua đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Bắc Kạn Nguyễn Duy Diệp cho biết, để nâng cao giá trị, năng suất chất lượng rừng trồng, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn, thành phố đang tích cực phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến gỗ, tre nứa. Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện trồng rừng gỗ lớn, cây đa mục đích, phát triển thâm canh rừng trồng để nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp. Nhằm bảo vệ màu xanh cho rừng của thành phố, các địa phương trên địa bàn cũng tích cực khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh phục hồi, bổ sung rừng, qua đó nâng cao giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, khả năng phòng hộ và các giá trị khác của rừng.

Đến thời điểm này, thành phố đã giao khoán bảo vệ rừng tại hai phường Huyền Tụng và Xuất Hoá với tổng diện tích hơn 1.188 ha. Các diện tích thực hiện giao khoán bảo vệ rừng được cộng đồng quản lý, bảo vệ tốt. Hiện nay, UBND các xã, phường đang triển khai, thiết kế đối với các diện tích giao khoán năm 2023 với diện tích 1.072,84 ha...

Không chỉ chú trọng phát triển rừng sản xuất, thành phố còn tích cực vận động Nhân dân trồng mới rừng trên các diện tích đất trống được quy hoạch rừng phòng hộ, sử dụng nguồn kinh phí từ trồng rừng thay thế để trồng mới rừng phòng hộ. Hiện diện tích rừng trồng phòng hộ của thành phố là 190,88 ha, trong đó đã thành rừng là 167,71 ha, rừng mới trồng chưa thành rừng là 23,17 ha.

Từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố cũng đã thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên; triển khai các giải pháp nhằm bảo làm tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng với mục tiêu bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có, nâng cao chất lượng, giá trị rừng trồng…/.

Thu Cúc