PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/04/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Góp phần xây dựng một Việt Nam xanh
Là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước với 73,4%, Bắc Kạn vẫn đang tiếp tục thực hiện công tác trồng rừng để góp phần xây dựng một Việt Nam xanh.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Tỉnh đoàn Bắc Kạn
tổ chức chương trình trồng cây quanh khuôn viên Khu di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông

Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu dến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đề án nêu rõ, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các địa phương tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội để trồng một tỷ cây xanh. Trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, khu vực đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử... bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Hưởng ứng Đề án của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến vào ngày 26/4/2021 tới đây, Bắc Kạn sẽ tổ chức trồng cây hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh tỉnh Bắc Kạn tại khu vực xung quanh Hội trường tỉnh và diện tích liền kề thuộc đồi Tỉnh ủy. Diện tích trồng khoảng 2 ha, bao gồm cây thông mã vĩ và cây sao đen. Chương trình dự kiến có sự tham gia của các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Cũng trong ngày này, UBND các huyện, thành phố trong toàn tỉnh sẽ thực hiện đồng loạt tổ chức trồng cây hưởng ứng Chương trình trồng một tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh.

Việc triển khai Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh; nâng cao chất lượng và giá trị các hệ sinh thái rừng, phát huy vai trò của rừng và cây xanh với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Qua đó cũng góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng năm 2021 và của cả giai đoạn theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Để góp phần xây dựng một Việt Nam xanh, địa phương có độ che phủ rừng lớn nhất cả nước là Bắc Kạn vẫn đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để phát triển rừng trong giai đoạn tới. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển nông lâm nghiệp là một trong 4 nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh phấn đấu diện tích trồng rừng bình quân/năm đạt 3.500 ha. Phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh công tác trồng rừng đảm bảo về chất lượng, hiệu quả, trong đó chú trọng công tác trồng lại rừng sau khai thác. Tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây đa mục đích có giá trị kinh tế cao và trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Chợ Đồn phát triển tốt kinh tế rừng góp phần bảo vệ đầu nguồn Sông Cầu, bảo vệ môi trường
và phòng chống thiên tai 

Cùng với đó là thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Giải quyết dứt điểm các vướng mắc về đất đai giữa lâm trường với các hộ dân, thực hiện việc tái cơ cấu sản xuất của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Bắc Kạn để nâng cao hiệu quả sản xuất. Có chính sách để thu hút, hỗ trợ các tổ chức và cá nhân (hợp tác xã, doanh nghiệp) đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung với số lượng lớn và sản xuất theo chuỗi giá trị. Có cơ chế, chính sách cụ thể cho người trồng rừng gỗ lớn, người bảo vệ rừng tự nhiên (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất)…

Tại cuộc làm việc mới đây giữa lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Hải cho rằng, thế mạnh của tỉnh chính là lâm nghiệp, vì vậy, Bắc Kạn luôn coi trọng và lấy nông lâm nghiệp làm nhiệm vụ trọng tâm để phát triển trong giai đoạn tiếp theo, qua đó góp phần thực hiện tốt việc bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.

Hương Lan