PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/07/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng nông thôn mới
Triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có tổng số 158 dự án được triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Xác định phát triển sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và có tính quyết định trong việc nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, giúp các địa phương thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất. Trong số các dự án triển khai, huyện Ngân Sơn có 4 dự án, Bạch Thông 25 dự án, Ba Bể 22 dự án, Na Rì 40 dự án, Chợ Đồn 25 dự án, Chợ Mới 20 dự án, Pác Nặm 17 dự án, thành phố Bắc Kạn 5 dự án. Các dự án tập trung hỗ trợ về cây, con giống như các dự án chăn nuôi gà thương phẩm, chăn nuôi dê, lợn, cá nước ngọt; các dự án phát triển cây cam đường canh, cam sành theo VietGAP, trồng rau an toàn, chè, chanh leo, khoai môn, khoai tây…

Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai trên cơ sở rà soát, tổng hợp ý kiến từ nhu cầu của người dân nên việc thực hiện được thống nhất cao và người dân tích cực tham gia. Quá trình triển khai, cán bộ thường xuyên theo dõi hướng dẫn các hộ dân thực hiện dự án chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo đúng kỹ thuật.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối nông thôn mới, nhìn chung, các hộ sau khi tham gia thực hiện dự án đều tăng thu nhập đáng kể, tạo thêm việc làm cho lao động động tại địa phương, trong đó thúc đẩy được nhiều hoạt động liên kết theo nhóm sản xuất, từ đó hình thành nhiều tổ hợp tác, hợp tác xã trong phát triển nông nghiệp, góp phần quan trọng phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Đặc biệt, thông qua các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, các sản phẩm chủ lực phát triển bền vững hơn, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo tại địa phương.

Dự án phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị cây nghệ tại xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn là một trong những dự án hiệu quả, đảm bảo tính bền vững. Được triển khai từ tháng 8/2020 đến tháng 11/2021 có quy mô 13 ha với 24 hộ tham gia, dự án giúp cho các gia đình có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Tính bền vững của dự án được khẳng định khi có sự liên kết với hợp tác xã, trong đó, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành tại địa phương đã liên kết sản xuất sản phẩm tinh bột nghệ từ nguyên liệu là vùng trồng nghệ tại xã Nông Thượng. Đầu ra thuận lợi nên người dân càng yên tâm phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả dự án đã được đầu tư.

Dự án phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị cây nghệ tại xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn
mang lại hiệu quả tích cực

Hay như dự án phát triển sản xuất cây dong riềng được triển khai trên địa bàn huyện Na Rì cũng đã khẳng định được tính hiệu quả. Với tất cả 5 dự án được triển khai tại địa phương, người dân được tập huấn, hướng dẫn về cách trồng, chăm sóc nên năng suất, chất lượng đảm bảo. Hơn nữa, sản phẩm củ dong đã được các hợp tác xã trên địa bàn bao tiêu toàn bộ nên đã góp phần nâng cao giá trị cây trồng địa phương. Sản phẩm miến dong ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối nông thôn mới, các dự án phát triển sản xuất liên kết chuỗi giá trị giúp các doanh nghiệp, nhất là các hợp tác xã được nâng cao năng lực trong quản lý, xây dựng được vùng nguyên liệu, có cơ hội đầu tư nâng cấp nhà xưởng, máy móc, quy mô sản xuất… Qua việc thực hiện dự án liên kết đã giúp tăng thêm thành viên các hợp tác xã và có thêm các thành viên liên kết để củng cố bộ máy, góp phần từng bước đưa hợp tác xã phát triển đi lên, giúp kinh tế hộ gia đình nông dân chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chuỗi giá trị từ khâu cung ứng vật tư, giống đảm bảo chất lượng, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến việc hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, từ đó tạo được mối liên doanh, liên kết giữa người sản xuất với đơn vị tiêu thụ sản phẩm.

Các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã và đang tạo ra sức lan tỏa lớn trong Nhân dân, giúp nhiều hộ dân tiếp cận được với những giống cây trồng, vật nuôi mới, áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, từ đó tăng giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho các hộ dân.

Qua báo cáo đánh giá của các huyện, thành phố, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong 158 danh mục dự án được triển khai thực hiện, có 103 dự án được đánh giá đạt hiệu quả, có tính bền vững, chiếm 65%; số còn lại có hiệu quả nhưng tính bền vững chưa cao và một số dự án đang trong thời gian thực hiện.

Có thể khẳng định, các dự án đã góp phần nâng cao thu nhập người dân, chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là quy mô của một số ít dự án còn nhỏ lẻ, còn một số hộ dân vẫn giữ tư tưởng trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước. Một số địa phương vẫn còn lúng túng trong việc lựa chọn giống cây trồng vật nuôi cũng như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất. Bên cạnh đó, diễn biến tình hình thời tiết, dịch bệnh phức tạp, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, Viêm da nổi cục trên trâu, bò... cũng đã ảnh hưởng nhiều đến việc duy trì và mở rộng quy mô của dự án.

Để thực hiện tốt các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhân rộng các dự án được đánh giá đạt hiệu quả, bền vững, trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục vận động, tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân thực hiện sản xuất theo hướng tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với phát triển sản phẩm chủ lực của các địa phương. Huy động, lồng ghép các nguồn lực để duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả. Chỉ đạo duy trì các dự án đảm bảo thời gian theo thuyết minh dự án đã được phê duyệt.

Các đơn vị cũng sẽ tích cực tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã có năng lực đủ điều kiện để tham gia bao tiêu sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực của địa phương tới các thị trường trong nước và nước ngoài.

Các tổ chức kinh tế, người dân tiếp tục được hướng dẫn thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP để tăng tính hoàn thiện của sản phẩm, mở rộng sản xuất, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện các dự án gắn với sơ kết, tổng kết để đảm bảo hiệu quả các dự án và thực hiện đúng các quy định của Nhà nước.

Để duy trì, nhân rộng kết quả thực hiện các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương quan tâm kết nối, giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài tỉnh có năng lực và nhu cầu liên kết sản xuất vùng nguyên liệu để ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các dự án phát triển sản xuất trên địa bàn nhằm nâng cao tính ổn định bền vững các dự án./.

Hương Lan