PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/10/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hiệu quả từ Đề án 500 trí thức trẻ tại tỉnh Bắc Kạn
Triển khai thực hiện trong giai đoạn 2013-2020, Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi (Đề án 500 trí thức trẻ) đã phát huy hiệu quả thiết thực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, tuyển chọn được 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để bố trí thực hiện công việc của các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Triển khai thực hiện Đề án 500 trí thức trẻ, tỉnh Bắc Kạn đã đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tuyển chọn đội viên thực hiện Đề án thông qua việc thành lập Hội đồng tuyển chọn trí thức trẻ tỉnh. Bắc Kạn được phân bổ 10 chỉ tiêu, với tổng số 58 ứng viên đăng ký. Hội đồng đã tuyển chọn được 08 trí thức trẻ đủ tiêu chuẩn, năng lực, trình độ, tăng cường về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi tại huyện Ba Bể và Pác Nặm ở các chức danh: Văn phòng - Thống kê; Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường; Tư pháp - Hộ tịch; Tài chính - Kế toán. Sau khi xét duyệt, do thi đỗ công chức nên 02 đội viên không tiếp tục tham gia Đề án, đến năm 2017, thêm 01 đội viên không tham gia.

Quá trình công tác, các trí thức trẻ thực hiện Đề án luôn tích cực nắm cơ sở, có tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được phân công, có mối quan hệ chặt chẽ, gần gũi với cán bộ, công chức cơ sở, qua đó đã góp phần tích cực vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan cũng như địa phương công tác.

Tại Hội nghị tổng kết Đề án 500 trí thức trẻ do UBND tỉnh tổ chức mới đây, các đại biểu đánh giá, quá trình triển khai Đề án được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, huyện và chính quyền địa phương, sự ủng hộ, tạo điều kiện của cán bộ, công chức và Nhân dân nơi đội viên công tác. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện Đề án tại các xã thuộc phạm vi được thực hiện tốt. Nhìn chung, các đội viên Đề án có tinh thần trách nhiệm, năng lực chuyên môn, dần trưởng thành, nỗ lực phấn đấu vươn lên, yên tâm công tác, tiếp cận nhanh với công việc được phân công, chịu khó học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, phát huy tốt năng lực trên cương vị công tác và nhiệm vụ được giao, giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, được các địa phương đánh giá cao.


Đội viên Triệu Văn Chài phụ trách lĩnh vực Tài chính - Kế toán tại UBND xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể

Được tham gia Đề án, đội viên Triệu Văn Chài phụ trách lĩnh vực Tài chính - Kế toán tại UBND xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể đã nhanh chóng tiếp cận được với công việc của công chức xã theo chức danh chuyên môn đảm nhận. Trong quá trình làm việc tại cơ sở, với trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, thái độ nghiêm túc, tận tụy trong công việc, đội viên Chài được Nhân dân tin tưởng, quý mến, trưởng thành nhanh chóng và có những đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các nhiệm vụ chung của địa phương. Hằng năm, xã Hoàng Trĩ luôn đạt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Còn với đội viên Lý Thị Chung làm nhiệm vụ ở chức danh Văn phòng - Thống kê tại xã An Thắng, huyện Pác Nặm luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc trong công việc, chủ động nghiên cứu các chính sách, các văn bản chỉ đạo của cấp trên để tham mưu triển khai thực hiện nhiệm vụ ở lĩnh vực được phân công. Đội viên Lý Thị Chung là một trong 04 đội viên đã được kết nạp Đảng sau khi về các xã công tác.


Đội viên Lý Thị Chung và các đội viên đều mong muốn tiếp tục được bố trí công tác sau khi kết thúc Đề án

Tích cực đi cơ sở, nắm bắt điều kiện, phong tục tập quán ở địa phương, gần gũi Nhân dân, vì vậy, đội viên Trần Văn Nghị đã có những đóng góp tích cực trong công tác xây dựng nông thôn mới tại địa bàn xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm. Làm nhiệm vụ ở chức danh Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường, đội viên Trần Văn Nghị đã tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ ở lĩnh vực được phân công, bên cạnh đó, qua các cuộc làm việc tại cơ sở đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các tiêu chí nông thôn mới tại chính gia đình, thôn bản. Nhờ vậy, đến nay, xã Bộc Bố đã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Tại Hội nghị tổng kết Đề án 500 trí thức trẻ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa  đánh giá: Qua thời gian thực hiện có thể khẳng định, Đề án đã thành công tốt đẹp. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đội viên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp sức trẻ cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở.

Đến nay đã hết thời hạn 60 tháng thực hiện Đề án, các đội viên đều có nguyện vọng được tiếp tục cống hiến, làm việc tại các xã. Tuy nhiên, việc bố trí, sắp xếp, tuyển dụng các đội viên sau khi kết thúc Đề án hiện còn gặp khó khăn, do hiện nay, theo quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ không quy định các đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi thuộc diện tuyển dụng công chức cấp xã trong các trường hợp đặc biệt. Trước mắt, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục bố trí ngân sách để kéo dài thời gian hợp đồng với các đội viên đến hết tháng 12/2020. Bắc Kạn đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể của Bộ Nội vụ và Ban Quản lý Đề án 500 trí thức trẻ.

Có thể thấy, tiếp nối thành công từ Dự án 600 Phó Chủ tịch xã và hiện nay là Đề án 500 trí thức trẻ tình nguyện đã tăng cường nguồn cán bộ trẻ cho các xã khó khăn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả Đề án, các đội viên trí thức trẻ mong muốn, Trung ương ban hành chính sách phù hợp để tháo gỡ khó khăn trong việc bố trí “đầu ra” cho các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ, tránh lãng phí nguồn nhân lực có chất lượng cũng như ngân sách của Nhà nước đã đầu tư cho việc triển khai thực hiện Đề án, qua đó phát huy tốt hơn tinh thần trách nhiệm, xung kích của tuổi trẻ, sẵn sàng tình nguyện đến những vùng khó khăn nhất của đất nước để cống hiến sức trẻ, trí tuệ, chung tay cùng hệ thống chính trị cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới./.

Hương Lan