PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/04/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hiệu quả từ mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể
Mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại xã Mỹ Phương, huyện Ba Bể thuộc dự án khoa học “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn” được triển khai thực hiện có hiệu quả đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng chè xanh Mỹ Phương, nâng cao thu nhập cho người dân trồng chè tại địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chè vụ xuân 2022 của HTX Chè Mỹ Phương đang phát triển tốt

Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn” (Dự án) do Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc chủ trì triển khai thực hiện; TS. Nguyễn Ngọc Bình làm Chủ nhiệm.

Được triển khai từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2021, Dự án nhằm mục tiêu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo, xây dựng vùng nguyên liệu và chế biến sản phẩm phục vụ phát triển sản xuất chè hàng hóa tại các huyện Ba Bể và huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.

Tại huyện Ba Bể, Hợp tác xã (HTX) chè Mỹ Phương tham gia Dự án với nội dung thực hiện các mô hình chè thâm canh theo hướng VietGAP, chè thâm canh theo hướng hữu cơ, mô hình trồng chè giống mới với tổng diện tích 22 ha tại thôn Pùng Chằm và thôn Bioc Ve, 23 hộ dân tham gia; được chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm chè chất lượng cao.

Qua 3 năm triển khai thực hiện, Dự án đã phối hợp với HTX Chè Mỹ Phương xây dựng được mô hình chè thâm canh theo hướng VietGAP với quy mô 10 ha, 17 hộ tham gia. Trong quá trình triển khai, các hộ tham gia mô hình được hướng dẫn thực hiện chăm sóc, thu hái búp, phòng trừ sâu bệnh cho cây chè theo quy trình thâm canh chè VietGAP. Chính vì vậy, so với diện tích chè sản xuất đại trà tại địa phương, chè sản xuất theo mô hình VietGAP sinh trưởng và phát triển tốt hơn, số lượng búp nhiều, khối lượng búp tăng do tích lũy chất khô nhiều hơn; năng suất chè tăng 2,42 tấn/ha so với trước khi thâm canh và so với sản xuất đại trà tại địa phương.

Đối với mô hình thâm canh theo hướng hữu cơ, HTX Chè Mỹ Phương tham gia thực hiện với quy mô 5 ha, 8 hộ dân tham gia. Trước khi thực hiện Dự án, hầu hết diện tích chè được lựa chọn để thực hiện mô hình thâm canh theo hướng hữu cơ trên đều được trồng xen trong rừng cây mỡ, bị bọ xít muỗi, rầy xanh và bệnh phồng lá hại nặng; cây cao vống, tán nhỏ, mật độ cành ít, bộ khung tán rất yếu, năng suất rất thấp, có xu hướng bị chết dần nếu không được cải tạo, đầu tư chăm sóc.

TS. Nguyễn Ngọc Bình - Chủ nhiệm dự án cho biết, thực hiện mô hình, các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật bón phân, trong đó tuyệt đối không sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; kỹ thuật đốn, hái chè, đặc biệt là kỹ thuật hái tạo hình chè đầu vụ xuân; phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp thủ công, cơ giới… Sau 3 năm cho thấy, năng suất chè mô hình đạt trung bình đạt 3,13 tấn/ha, tăng 30,56% so với trước khi thực hiện Dự án và tăng 29,48% so với sản xuất đại trà.

Cùng với thực hiện mô hình thâm canh, cải tạo diện tích chè sẵn có, HTX Chè Mỹ Phương thực hiện mô hình trồng chè giống mới chất lượng cao theo hướng VietGAP, hữu cơ với quy mô 7 ha, 11 hộ tham gia. Giống chè được đưa vào sản xuất là chè Kim Tuyên, chè PH8. Qua theo dõi mô hình cho thấy, các giống chè mới khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại Mỹ Phương, tỷ lệ cây sống đạt từ 93,7% - 96,9%, cây sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất chè Kim tuyên đạt 3,62 tấn/ha và chè PH8 đạt trung bình gần 3,5 tấn/ha.

Để đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm chè, ngoài nâng cao chất lượng nguyên liệu búp chè, HTX Chè Mỹ Phương được Dự án hỗ trợ, chuyển giao công nghệ chế biến 3 sản phẩm mới: Chè xanh thơm, chè Mao Tiêm, chè Ngân Kim. Ngoài ra, HTX Chè Mỹ Phương được Dự án hỗ trợ thiết kế, in nhãn mác bao bì của 3 loại sản phẩm chè, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm; nhận bàn giao hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm chè của HTX

Đánh giá về hiệu quả các mô hình, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương Hoàng Văn Thái cho biết, trước khi thực hiện Dự án, người dân địa phương sản xuất chè theo truyền thống, không đầu tư chăm sóc, đốn tỉa, năng suất thấp, nương chè cằn cỗi không phát triển được. Sau khi có tác động về kỹ thuật cải tạo, thâm canh, nương chè của bà con đã sinh trưởng, phát triển tốt hơn, năng suất và chất lượng sản phẩm chè được nâng lên, qua đó góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất chè của người dân địa phương từ để mọc tự nhiên sang thâm canh theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, hữu cơ, phát triển sản xuất chè hàng hóa tại địa phương. Giống chè Kim Tuyên và PH 8 đưa vào sản xuất phù hợp với điều kiện của xã Mỹ Phương, do đó trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống chè, xã sẽ định hướng đưa các giống mới này vào phát triển sản xuất./.

Hương Dịu