PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/11/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bắc Kạn năm 2020
Chiều ngày 07/11, UBND tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa năm 2020. Các đồng chí: Đỗ Thị Minh Hoa - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương); Hoàng Hà Bắc - Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn đồng chủ trì Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hội nghị được tổ chức nhằm tăng cường hoạt động liên kết các vùng miền trong hợp tác, tiêu thụ sản phẩm, kết hợp với việc trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, hình ảnh, thông tin doanh nghiệp tham gia Hội nghị, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu nhu cầu cung ứng, phân phối tiêu thụ sản phẩm tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh, thành phố.


Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa khẳng định, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa; tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại để quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm sản và sản phẩm công nghiệp của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã có hơn 100 sản phẩm công nghiệp, nhiều sản phẩm được thị trường đánh giá tốt, tham gia các chuỗi cung ứng lớn. Quyền Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn, thông qua Hội nghị này, các doanh nghiệp quan tâm đến sản phẩm của Bắc Kạn, không chỉ là kết nối cung cầu, kết nối thị trường mà còn quan tâm đầu tư, phát triển sản xuất ngay từ vùng nguyên liệu. Tỉnh Bắc Kạn luôn hoan nghênh, đồng hành cùng các đơn vị, doanh nghiệp đến đầu tư vào địa phương.

Tại Hội nghị, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Kạn Hoàng Hà Bắc đã báo cáo về tình hình sản xuất hàng hóa và nhu cầu kết nối tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và đạt được những thành tựu quan trọng. Một số sản phẩm nông sản như: Miến dong, bún, phở khô, gạo Khẩu nua lếch Ngân Sơn, gạo Bao thai Chợ Đồn, Nano Curcumin (sản phẩm tinh chế từ củ nghệ) đã trở thành hàng hóa và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Toàn tỉnh đã có 105 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên; 26 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, trong đó có 05 sản phẩm công nghiệp nông thôn khu vực phía Bắc năm 2018, 02 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2019 (Miến dong Nhất Thiện, Tinh bột nghệ Bắc Kạn).

Tuy nhiên, tỉnh Bắc Kạn vẫn còn gặp một số khó khăn như: Các hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất nông sản chủ yếu canh tác theo tập quán truyền thống, chưa chú trọng việc cấp các loại chứng nhận như VietGAP, hữu cơ; quy mô sản xuất còn nhỏ, khó đáp ứng các đơn hàng lớn; việc tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh…

Hội nghị đã thảo luận, đánh giá, phân tích và đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển sản xuất và kết nối thị trường hàng hóa tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới.


Đại diện Hội Doanh nhân OCOP tỉnh Bắc Kạn (trái) và Công ty Cổ phần tập đoàn OCOP Việt Nam
 ký kết hợp đồng tại Hội nghị

Tại Hội nghị, đã có 05 hợp đồng nguyên tắc, biên bản ghi nhớ hợp tác về cung ứng sản phẩm được ký kết giữa các đơn vị: Hội Doanh nhân OCOP tỉnh Bắc Kạn và Công ty Cổ phần tập đoàn OCOP Việt Nam; Hợp tác xã Tài Hoan và Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ HAH Việt Nam; Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà Bắc Kạn và Công ty TNHH Hà Châu; Hợp tác xã Sang Hà và Công ty TNHH MTV Thương mại Đông Nam Việt; Hợp tác xã Nhung Lũy và Công ty Cổ phần BNC Nguyễn Trần./.

Hương Dịu