PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/06/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021
Sáng 4/6, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Điều hành tại điểm cầu Bắc Kạn, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2020, ở trong nước đã xảy ra 16 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển. Trong năm, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trên 39.962 tỷ đồng.

Mặc dù thiên tai năm qua diễn ra hết sức nghiêm trọng, cùng với diễn biến dịch Covid-19 hết sức phức tạp, song công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, các cấp, các ngành thực hiện quyết liệt, kịp thời và hiệu quả cùng với sự chủ động của người dân, các tổ chức chính trị xã hội và nhiều tổ chức quốc tế, nhờ đó đã giảm thiểu được thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống Nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, tình hình thiên tai sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các tháng còn lại của năm 2021 khả năng xuất hiện khoảng 12 - 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có 5 - 7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Lũ trên các hệ thống sông tiếp tục dự báo diễn biến phức tạp, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông; ngập úng tại các thành phố và các khu đô thị.

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã tập trung thảo luận làm rõ những khó khăn, hạn chế, những bài học kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới.

Tại tỉnh Bắc Kạn, trong năm 2020, tình hình thiên tai trên địa bàn chủ yếu là các loại hình thiên tai như tố lốc, mưa đá, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ, trong đó loại hình thiên tai mưa đá và lốc xảy ra bất thường, cường độ lớn làm thiệt hại rất nhiều nhà cửa của Nhân dân. Theo thống kê, thiên tai năm 2020 xảy ra trên địa bàn tỉnh đã làm 1 người chết, 6 người bị thương, 6.176 nhà ở bị hư hỏng, gần 1.500 ha cây trồng cùng nhiều công trình giao thông bị thiệt hại. Ước thiệt hại về hoa màu, tài sản do thiên tai gây ra gần 103 tỷ đồng.

Với phương châm “bốn tại chỗ”, công tác khắc phục hậu quả thiên tai luôn được tỉnh Bắc Kạn triển khai khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất cho Nhân dân. Công tác tái định cư được thực hiện linh hoạt gắn với điều kiện thực tế, chuyển từ việc triển khai các dự án tái định cư tập trung quy mô lớn sang hình thức tái định cư xen ghép để đảm bảo phù hợp với phong tục, thói quen sinh sống canh tác của người dân. Trong năm qua, tỉnh đã xây dựng phương án bố trí dân cư xen ghép để bố trí cho 32 hộ dân bằng nguồn vốn theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Phó Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng đã tích cực, chủ động trong công tác phòng chống, góp phần làm giảm nhẹ thiên tai. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các địa phương cần kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai gắn với người đứng đầu. Bố trí nguồn lực, tăng cường đầu tư trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương. Chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xây dựng phương án đảm bảo an toàn các công trình phòng chống thiên tai, nhất là hệ thống đê điều, hồ đập. Sẵn sàng phương án ứng phó với thiên tai để không bị động, bất ngờ, đồng thời tổ chức theo dõi công tác khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai./.

Thu Trang