PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

01/12/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hội nghị trực tuyến tổng kết 30 năm phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam và Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS
Sáng 01/12, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 30 năm phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam và Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12). Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chủ trì Hội nghị.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn

Tham dự tại điểm cầu Bắc Kạn có đồng chí Phạm Duy Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 30 năm qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam đã nhận được sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành với cam kết chính trị mạnh mẽ, hệ thống văn bản hoàn thiện; hệ thống phòng, chống HIV/AIDS có từ tuyến Trung ương (Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế) tới tuyến cơ sở; hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV được thực hiện đa dạng; hoạt động điều trị HIV/AIDS liên tục được mở rộng; công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt hiệu quả cao... Theo đánh giá của UNAIDS (Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS), Việt Nam có tốc độ giảm HIV/AIDS nhanh nhất trong khu vực.

Tại Bắc Kạn, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên của tỉnh được ghi nhận vào năm 1997 tại thành phố Bắc Kạn. Sau hơn 15 năm, dịch HIV/AIDS đã lan rộng ra khắp các huyện, thành phố, hiện có 100 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS. Những năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm phòng ngừa, tránh lây nhiễm HIV/AIDS, trong đó chú trọng công tác truyền thông, chống phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Các sở, ngành, đoàn thể tại tỉnh đã tổ chức được nhiều hoạt động phòng, chống HIV/AIDS như ban hành văn bản hướng dẫn chỉ đạo, thiết lập mạng lưới, đào tạo cán bộ, xây dựng và nhân rộng mô hình hoạt động phù hợp với đặc thù của sở, ngành. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của các tổ chức xã hội, tổ chức dựa vào cộng đồng triển khai tại tỉnh đã từng bước được mở rộng, có chất lượng và đạt hiệu quả.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, song công tác phòng, chống HIV/AIDS ở nước ta trong thời gian tới còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm, nước ta vẫn có gần 10.000 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện; khoảng 2.000 người tử vong; vẫn còn khoảng 40.000 người nhiễm HIV sống trong cộng đồng mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Tình trạng kỳ thị, phân biệt, đối xử liên quan đến HIV tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến, đó sẽ là rào cản cho những người nghi ngờ nhiễm HIV tiếp cận công bằng các dịch vụ y tế…

Năm 2020, Việt Nam chọn chủ đề cho Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là “30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam”. Việc lựa chọn chủ đề này mang nhiều ý nghĩa rằng, Việt Nam đã trải qua 30 năm phòng, chống HIV, là thời điểm để nhìn nhận lại công cuộc ứng phó với đại dịch AIDS và có những điều chỉnh phù hợp trong chặng đường sắp tới, nhìn thấy cơ hội và tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ chấm dứt cơ bản đại dịch AIDS vào năm 2030.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận, biểu dương kết quả đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS. Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng nêu rõ, đối với lãnh đạo các cấp, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương không được phép chủ quan, lơ là, dịch HIV/AIDS có thể bùng phát trở lại. Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS; Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Bây giờ là thời điểm các địa phương cần chủ động xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch phòng, chống HIV/AIDS cho đến năm 2030, trước mắt cho giai đoạn trung hạn 2021-2025. Tăng cường đầu tư, phân bổ ngân sách, bảo đảm tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngành Y tế cần phát huy mọi nguồn lực, tiếp tục tăng cường, mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ khám, chữa bệnh, can thiệp giảm tác hại, tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS; cộng đồng xã hội cần tham gia tích cực hơn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS... để phấn đấu hoàn thành mục tiêu “Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”./.

Thu Trang