PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/08/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát huy vai trò là nòng cốt của hợp tác xã trong phát triển kinh tế tập thể
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, Bắc Kạn đã đạt được nhiều kết quả trong công tác phát triển kinh tế tập thể.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sản phẩm miến dong của HTX Tài Hoan là sản phẩm đầu tiên của tỉnh được chứng nhận
sản phẩm OCOP 5 sao Quốc gia

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) ban hành Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 18/3/2002 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”. Ở thời điểm đó, Bắc Kạn vẫn là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, kinh tế chậm phát triển, kinh tế tập thể, HTX hầu như chưa phát triển vẫn còn ảnh hưởng của hình thức tổ chức HTX kiểu cũ. Trong bối cảnh đó, sau khi Nghị quyết ban hành, Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Chương trình hành động số 03-CTr/TU ngày 01/7/2002 về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Trong đó xác định: “Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó HTX là nòng cốt”. Để Nghị quyết đi vào đời sống, tỉnh đã triển khai tổ chức tuyên truyền, học tập, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò của kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX trong thời kỳ mới.

Bám sát mục tiêu Nghị quyết và chương trình hành động của Tỉnh ủy, Bắc Kạn đã đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng HTX kiểu mới trên địa bàn toàn tỉnh. Nghiên cứu xây dựng, triển khai thực hiện các Nghị quyết về chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn; gắn nhiệm vụ phát triển HTX với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp. Chỉ đạo thực hiện lồng ghép với các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp để thực hiện các mục tiêu Nghị quyết. Hằng năm, các sở ngành và UBND các huyện, thành phố phối hợp thực hiện các mục tiêu Nghị quyết, chương trình hành động của Tỉnh ủy, Luật HTX và các văn bản khuyến khích phát triển HTX cho cán bộ, hội viên, thành viên của các HTX, tổ hợp tác, trang trại và người dân trên địa bàn. Tổ chức rà soát, kiểm tra nắm tình hình phát triển kinh tế tập thể, hỗ trợ tư vấn, chỉ đạo, hướng dẫn, củng cố và định hướng phát triển kinh tế tập thể. Từng bước đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý các cấp và các thành viên quản trị HTX. Vì thế, kinh tế tập thể, HTX của tỉnh đến nay đã có nhiều chuyển biến tích cực so với giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết.

Qua 20 năm thực hiện, tình hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến. Trong các giai đoạn phát triển đã hình thành các hình thức tổ chức sản xuất như tổ nhóm sở thích, câu lạc bộ để hỗ trợ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế và ở mức cao hơn là các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh của các HTX theo định hướng của các Nghị định và Luật HTX quy định trong từng giai đoạn. Hiện nay, toàn tỉnh có 369 tổ hợp tác với 1.845 thành viên; 284 HTX, trong số đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm nhiều nhất với 209 HTX. Thu nhập bình quân của thành viên, lao động của HTX 50 triệu đồng/năm. Nhiều mô hình kinh tế tập thể, HTX hoạt động hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Điển hình như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hợp Giang, HTX Nông nghiệp Tân Thành, HTX Đại Hà, HTX Hương Ngàn, HTX Thiên An, HTX Yến Dương, HTX Sang Hà, HTX Nhung Lũy, HTX Miến dong Tài Hoan… Các HTX này tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động, có thu nhập ổn định.

Sản phẩm của HTX đa dạng phong phú, đã từng bước đáp ứng thị trường, đến nay đã có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của các HTX xếp hạng từ 3 sao trở lên, có hơn 70 HTX (chiếm hơn 30% tổng số HTX) tham gia vào sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tạo các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có bao bì, truy suất nguồn gốc, mã vạch sản phẩm… Nhờ đó, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết thương hiệu sản phẩm của HTX, giá trị sản phẩm tăng từ 10 - 30%, góp phần nâng cao thu nhập cho các HTX cũng như người lao động.

Các HTX nhanh nhạy thích ứng thị trường, sản xuất các sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng
(Ảnh: HTX Dương Quang, thành phố Bắc Kạn với sản phẩm dưa lưới cho thu nhập cao)

Các HTX thực sự là tổ chức sản xuất cho người dân, hợp tác, liên kết giúp kinh tế hộ gia đình phát triển bền vững, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, tạo quy mô số lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa lớn tham gia thị trường, tạo dựng được mối liên kết trong sản xuất kinh doanh.

Tuy đã đạt được một số kết quả trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của Nghị quyết đề ra về phát triển số lượng các hình thức tổ chức sản xuất, sự thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế tập thể và HTX nhưng vẫn còn một số tồn tại. Hiện nay, đa số các HTX sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, tính bền vững chưa cao, quy mô thành viên còn khiêm tốn. Nguồn lực để hỗ trợ phát triển thành phần kinh tế này còn thấp, một số chính sách đã ban hành nhưng triển khai thực hiện còn chậm. Trong 20 năm qua, có rất nhiều chính sách của Trung ương hỗ trợ đối với phát triển kinh tế tập thể, HTX và hạ tầng sản xuất trong nông nghiệp nhưng chưa nhiều các thành phần kinh tế hợp tác và người dân tiếp cận được chính sách do điều kiện để được hưởng chính sách rất khó đáp ứng đối với các HTX quy mô nhỏ.

Để khắc phục những hạn chế trên, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Kạn xác định tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, nhất là đối với HTX gắn với xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp; xây dựng phát triển HTX hiệu quả, ứng dụng công nghệ và phát triển bền vững, mở rộng quy mô thành viên và quy mô về sản xuất kinh doanh (quy mô toàn xã); sản xuất gắn với chế biến và ứng dụng công nghệ khoa học kỹ thuật mới tiên tiến, tạo ra những sản phẩm hàng hóa chất lượng mang tính đặc thù của địa phương, phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống thành viên; phát triển thành viên thông qua thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ kinh tế cá thể và tổ chức tham gia vào phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025, Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 2 liên hiệp HTX, 350 HTX, trong đó có khoảng 70% là HTX nông nghiệp và nông nghiệp tổng hợp; tỷ lệ HTX hoạt động khá, tốt đạt từ 75% trở lên; thu nhập bình quân các thành viên HTX đạt 6 triệu đồng/người/tháng; trung bình mỗi HTX có từ 15 thành viên trở lên; có ít nhất 20% hộ nông dân sản xuất nông nghiệp tham gia thành viên tổ hợp tác, HTX hoặc có liên kết sản xuất với HTX, doanh nghiệp./.

Hương Lan