PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

04/09/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Hướng dẫn nhận biết và biện pháp phòng, trừ bệnh chết héo cây keo
Để phòng, chống kịp thời bệnh chết héo cây keo, tránh nguy cơ bệnh lây lan và bùng phát thành dịch, giúp người trồng rừng an tâm sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản hướng dẫn nhận biết và biện pháp phòng, trừ bệnh chết héo cây keo.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Triệu chứng điển hình của bệnh chết héo keo lai, keo tai tượng và keo lá tràm do nấm Ceratocystis manginecans gây ra là trên thân hoặc cành cây bị bệnh có những vết loét, thân gỗ thường bị chuyển sang màu nâu đen hoặc màu xanh đen. Khi vỏ cây và gỗ bị chuyển màu, tán lá bắt đầu héo nhưng lá vẫn chưa rụng. Sau một thời gian, lá bị khô, rụng và cây chết. Nấm gây bệnh thường xâm nhập vào thân cây qua các vết thương cơ giới do con người vô tình hay cố ý tạo ra hoặc do côn trùng gây hại ở thân, cành và rễ cây, cây bị gãy cành do gió bão, vết cắt tỉa cành. Khi bị nấm gây bệnh xâm nhiễm, vỏ trong bị thối đen, vỏ ngoài khô, có vết nứt, có nhựa chảy ra ngoài. Dùng dao cắt vào vết nứt hay chỗ nhựa gỗ có màu xanh đen, cắt ngang thân cây cũng có màu xanh đen. Cây bị nhiễm bệnh, lá có màu vàng, giai đoạn cuối của bệnh cây bị héo toàn bộ tán lá. Thể quả của nấm gây bệnh có thể nhìn thấy ở vỏ cây nơi vị trí bị bệnh có màu nâu đen. Quan sát trên kính hiển vi soi nổi, thể quả nấm có dạng hình cầu, cổ nấm kéo dày, bào tử túi có hình mũ đặc trưng.

Bệnh phát triển mạnh và có xu hướng lây lan mạnh trong tất cả các vùng trồng rừng keo tai tượng, keo lai trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía Bắc. Để kịp thời phòng, chống bệnh chết héo cây keo cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Khi rừng keo bị bệnh, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bệnh hại cây rừng. Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân của lô rừng dưới 15%, tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy (đốt) các cây bị bệnh chết héo, giữ lại các cây chưa có triệu chứng bị bệnh; không tận thu các cây bị bệnh chết héo, không vận chuyển sang nơi khác. Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân từ 16 đến 50%, tiến hành chặt, mang ra khỏi rừng và tiêu hủy các cây bị chết héo, đồng thời áp dụng biện pháp hóa học cục bộ theo đám (khi cây chết theo đám) hoặc toàn bộ lô (khi cây chết rải rác); sử dụng thuốc trừ bệnh có hoạt chất Metalaxyl (tên thương phẩm là Metaxyl 500WP), Mancozeb (tên thương phẩm là Manozeb 80WP), Metalaxyl + Mancozeb (tên thương phẩm là Lanomyl 680WP và Ridomid gold 68WG). Chú ý pha thuốc với chất bám dính; nồng độ 3g hoạt chất/lít, liều lượng 400-600 lít dung dịch/ha, phun nhắc lại 2 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày. Nếu tỷ lệ bị bệnh bình quân trên 50%, sẽ thanh lý rừng theo quy định của pháp luật./.

Nông Cúc