PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/11/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo
Cùng với việc sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Từ năm học 2017 - 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện thí điểm xã hội hóa đối với các nhóm trẻ tại trường mầm non công lập ở những nơi có điều kiện; tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo xây dựng đề án chuyển đổi các cơ sở giáo dục mầm non, trung học phổ thông từ công lập ra ngoài công lập; đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non, khuyến khích xã hội hóa việc xây dựng và phát triển trường mầm non chất lượng cao.

Khuôn viên Trường mầm non tư thục Happy Kids tại thành phố Bắc Kạn

Theo đó, việc rà soát quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo hướng không tiếp tục mở rộng các cơ sở giáo dục công lập mà đầu tư có trọng điểm, dành ngân sách nhà nước cho các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, cơ sở giáo dục trọng điểm; chủ động phân luồng và định hướng cho phụ huynh và người học lựa chọn các mô hình trường không phân biệt công lập hay ngoài công lập.

Cán bộ Công an tỉnh Bắc Kạn quyên góp, trao tặng xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường Tiểu học Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn nhân dịp khai giảng năm học mới

Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, ngành chức năng và chính quyền các cấp đã quan tâm lồng ghép các nội dung, ưu tiên phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong các chương trình, kế hoạch phát triển phù hợp với điều kiện, mức độ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng chi trả của người dân tại địa phương; tích cực tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ cho phát triển giáo dục và đào tạo, tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để xây dựng, sửa chữa trường, lớp học, mua sắm đồ dùng, trang thiết bị dạy học. Chỉ tính riêng năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh đã huy động được hơn 2,8 tỷ đồng tiền mặt, 164 chiếc xe đạp, 29.668 sách/vở, 8.363 bộ quần áo, 1.107 bộ đồ chơi trẻ em và hàng nghìn hiện vật khác với tổng giá trị hơn 3,4 tỷ đồng; huy động sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất được 178 công trình, tổng giá trị hơn 3,2 tỷ đồng.

Hiện nay, tỉnh có 1 trường mầm non tư thục và 40 nhóm trẻ độc lập tư thục với 937 trẻ được huy động; sự phát triển của các trường ngoài công lập, nhóm trẻ độc lập tư thục đã góp phần giảm bớt khó khăn cho giáo dục mầm non công lập và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, tạo sự tin tưởng và đồng thuận của xã hội. Tuy nhiên, việc phát triển các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục hiện nay mới thực hiện được ở trung tâm các huyện, thành phố. Nguyên nhân chính là do điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, thu nhập của nhiều người dân còn thấp, không đủ điều kiện đóng góp hoặc đưa đón trẻ nên thường để trẻ ở gia đình tự trông giữ; chưa có các chế độ chính sách hỗ trợ đối với trẻ em nhà trẻ đi học tại các nhóm trẻ tư thục; công tác xã hội hóa giáo dục còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình xã hội hoá giáo dục, nhất là xã hội hóa giáo dục mầm non...

Để khắc phục tình trạng này, hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo xây dựng, trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; đồng thời nghiên cứu, xem xét việc mở rộng thực hiện xã hội hóa bậc học mầm non và các bậc học khác ở những địa bàn đủ điều kiện trong thời gian tới.

UBND tỉnh cũng kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tham mưu cho Chính phủ có cơ chế, chính sách thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, nhất là cơ chế chính sách đối với các cơ sở giáo dục tư thục ở các tỉnh miền núi, vùng khó khăn./.

Bích Huệ