PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/03/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Huyện Ba Bể phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
Nhằm cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi, huyện Ba Bể chủ trương phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thực trạng chăn nuôi trâu, bò, lợn trên địa bàn huyện

Những năm gần đây, chăn nuôi trên địa bàn huyện Ba Bể có sự chuyển biến tích cực, từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, tự cung, tự cấp sang chăn nuôi chuyên biệt; sản xuất hàng hóa dưới hình thức chăn nuôi trang trại theo hướng thâm canh bán công nghiệp và công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là trong chăn nuôi lợn. Thông qua việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, sự hỗ trợ của các chương trình, dự án..., Ba Bể đã thu hút được một số doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Thượng Giáo là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Những năm gần đây, người dân địa phương đã dần thay đổi tập quán chăn thả tự nhiên, thay vào đó là đầu tư chuồng trại để chăn nuôi nhốt theo hình thức vỗ béo, nuôi thương phẩm, đặc biệt là ở các thôn vùng trung tâm như thôn Nà Tạ, Nà Ché, Nà Chả, Bản Piềng.

Theo bà Ma Thị Nga - Trưởng thôn Nà Tạ, hiện nay tại thôn có khá nhiều hộ chăn nuôi trâu, bò với tổng đàn trên 130 con; trong đó có nhiều hộ đã chuyển đổi sang chăn nuôi nhốt theo hình thức vỗ béo như hộ Dương Văn Trần có thời điểm nuôi nhốt 30 con trâu, bò. Để có thức ăn nuôi trâu, bò vỗ béo, các hộ chăn nuôi đã chuyển đổi hơn 3 ha đất trồng lúa, ngô sang trồng cỏ voi. Nhiều hộ đã quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh, phòng chống rét cho đàn vật nuôi.

Thôn Nà Tạ có hơn 3 ha diện tích trồng lúa, ngô chuyển đổi sang trồng cỏ để chăn nuôi trâu, bò

Tuy nhiên, tổng đàn trâu, bò, lợn của huyện đang giảm dần. Đến năm 2020, đối với trâu, bò, tổng đàn giảm 39%; số con xuất bán, giết thịt giảm 30%; sản lượng thịt hơi giảm 21%. Đối với đàn lợn, tổng đàn giảm 24%; số xuất bán, giết thịt giảm 17%; sản lượng thịt hơi giảm 11% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo báo cáo đánh giá của UBND huyện Ba Bể, số lượng trâu, bò, lợn trên địa bàn giảm chủ yếu là do người chăn nuôi chưa chủ động sản xuất thức ăn xanh trong khi diện tích chăn thả tự nhiên ngày càng bị thu hẹp. Chăn nuôi trâu, bò hiện chủ yếu theo hướng thương phẩm, đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn, dẫn đến nhiều hộ không muốn tiếp tục chăn nuôi trâu, bò hoặc chuyển cơ cấu sang loài vật nuôi khác. Đặc biệt, thời gian qua, dịch tả lợn Châu Phi đã khiến số lợn mắc bệnh phải tiêu hủy lớn; mặt khác, do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tình trạng khan hiếm con giống, giá con giống tăng cao, việc tái đàn, tăng đàn gặp nhiều khó khăn dẫn đến tổng đàn lợn giảm mạnh. 

Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi

Nhằm cơ cấu lại lĩnh vực chăn nuôi, tạo sự đột phá trong hoạt động sản xuất chăn nuôi, tháng 3/2021, UBND huyện Ba Bể đã ban hành Kế hoạch số 50/KH-UBND phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Ba Bể đề ra mục tiêu, đến năm 2025, phát triển tối thiểu được 5 trang trại chăn nuôi trâu, bò quy mô vừa và nhỏ, trong đó trọng tâm xây dựng trang chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi kép kín (từ trồng cỏ, nuôi trâu, bò, nuôi giun quế… đến sản phẩm thịt trâu, bò và sản phẩm phụ), tổng đàn trâu, bò nuôi tại các trang trại chiếm khoảng 10% tổng đàn trâu, bò của cả huyện; duy trì ổn định 12.000 con trâu, bò, xuất chuồng bình quân 3.840 con/năm, tương đương với sản lượng thịt hơi khoảng 921 tấn/năm. Đối với đàn lợn, phát triển 5 trang trại chăn nuôi lợn quy mô vừa và nhỏ, trong đó trọng tâm là xây dựng trang trại chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi kép kín (từ con giống đến sản phẩm thịt lợn), tổng đàn lợn nuôi tập trung chiếm gần khoảng 2% tổng đàn lợn của huyện; tổng đàn lợn đạt ổn định 32.000 con/năm, số con xuất chuồng bình quân 34.564 con/năm, tương đương với sản lượng thịt lợn hơi khoảng 2.384 tấn/năm.

Để đạt những mục tiêu đề ra, huyện Ba Bể xác định trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung; tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi nông hộ để đảm bảo ổn định tổng đàn và sản lượng thịt hơi; thúc đẩy liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Huyện tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò tại các địa phương có lợi thế về tổng đàn, diện tích chăn thả như các xã: Phúc Lộc, Thượng Giáo, Cao Thượng, Bành Trạch, Quảng Khê. Ngoài ra, huyện phát triển chăn nuôi trâu, bò tập trung vỗ béo, nuôi thương phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa tại các vùng có lợi thế về đồng cỏ, đẩy mạnh việc trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn xanh cho đàn vật nuôi. Đối với chăn nuôi lợn, huyện chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá lại tiềm năng, nhu cầu các hộ chăn nuôi, gia đình có đất đai, điều kiện đầu tư để tập trung phát triển chăn nuôi trang trại theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh, gắn tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi và hình thành các vùng chăn nuôi tập trung.

Một mô hình nuôi nhốt trâu, bò vỗ béo tại xã Thượng Giáo

Hiện nay, Ba Bể đang chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người dân thay đổi phương thức chăn nuôi từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang thành các trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết sản xuất chăn nuôi hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Thời gian tiếp theo, huyện tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung; xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; xây dựng cơ sở chế biến nông lâm sản theo Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 17/4/2019 của HĐND tỉnh Bắc Kạn… ; lồng ghép nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh và các địa phương thông qua các chương trình, cự án, mô hình để phát triển chăn nuôi./.

Hương Dịu