PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

18/11/2019
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Huyện Bạch Thông sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết số 37-NQ/TW), tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Bạch Thông đã có nhiều chuyển biến tích cực.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020 (Nghị quyết số 37-NQ/TW), tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Bạch Thông đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tại huyện Bạch Thông, Nghị quyết 37-NQ/TW đã được cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, từng bước đi vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả quan trọng; bước đầu đã phát huy được tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh địa phương.

Cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực; nông nghiệp phát triển khá toàn diện, hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa, vùng chuyên canh tập trung gắn với công nghệ chế biến (cây cam quýt, cây thuốc lá…). Tổng sản lượng lương thực của huyện đã tăng từ 13.178 tấn (năm 2003) lên 19.990 tấn (năm 2018); bình quân lương thực đầu người hiện đã đạt khoảng 600kg/người/năm, góp phần quan trọng vào đảm bảo an ninh lương thực. Tổng diện tích cam, quýt trên địa bàn đạt 1.550ha, trong đó có trên 1.200ha cho thu hoạch. Bạch Thông đã trở thành huyện đi đầu về phong trào trồng rừng của tỉnh trên các mặt: Diện tích, thời vụ và tỷ lệ sống; độ che phủ rừng tăng từ 68,4% (năm 2010) đến 79,6% (năm 2018).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trở thành đơn vị dẫn đầu của tỉnh trong phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới.

Toàn huyện hiện có khoảng 1.200ha cam, quýt đã cho thu hoạch

15 năm qua, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện luôn được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay trên toàn địa bàn huyện, 100% các xã, thị trấn, thôn bản có đường ô tô đến trung tâm xã, thị trấn và trung tâm thôn, có khoảng 70% các tuyến đường giao thông đã được nhựa hóa, bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện tham gia giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế. Tỷ lệ số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 94%. Tỷ lệ các hộ dân được sử dụng điện đã tăng lên 98%. Mạng lưới bưu chính viễn thông trên địa bàn toàn huyện đã có 01 điểm Bưu điện huyện; 01 điểm Trung tâm viễn thông huyện và 16 điểm Bưu điện văn hoá xã, 100% các xã có điểm phát sóng di động, bảo đảm phục vụ cho thông tin kinh tế - xã hội. 17/17 xã, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn. 100% số thôn, bản trên địa bàn huyện đã có nhà văn hóa thôn và các khu vực phục vụ cho luyện tập, giao lưu, giao hữu thể thao, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới theo các tiêu trí đã đề ra.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, các cấp, các ngành và nhân dân toàn huyện đã có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường; các thiết chế văn hóa ở cơ sở từng bước được quan tâm xây dựng; các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao được tổ chức có hiệu quả... Nhờ đó, đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Các lễ hội truyền thống của địa phương được duy trì tổ chức

Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng chất lượng thăm khám sức khỏe cho nhân dân được chú trọng, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường cả về số lượng và chất lượng; các Trạm y tế xã được xây dựng kiên cố đến nay đã được đầu tư 17/17 xã, thị trấn có trạm y tế đạt chuẩn. Mạng lưới trường lớp ngày càng phát triển. Các trường học được đầu tư xây dựng ngày một khang trang sạch đẹp, trang thiết bị cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập và giảng dạy; đội ngũ cán bộ, giáo viên tăng về số lượng, chuẩn hoá về trình độ; chất lượng giáo dục đại trà ngày một nâng cao, giáo dục mũi nhọn có nhiều khởi sắc; duy trì giữ vững phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS.

Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội được quan tâm. Đến năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 21,88%. Bình quân hằng năm giải quyết việc làm cho trên 500 lao động địa phương. Đến nay, 100% số hộ gia đình chính sách có nhà ở ổn định theo quy định; số hộ có nhà tranh tre dột nát giảm xuống còn 3,1%; 100% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ, người có công; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ khám, chữa bệnh miễn phí tại các cơ sở y tế công lập. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; công tác quốc phòng được tăng cường.

Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đạt được nhiều kết quả quan trọng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ Đảng viên được nâng lên; hiệu lực, hiệu quả hoạt động, điều hành của chính quyền các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Hệ thống chính trị các cấp, nhất là ở cơ sở không ngừng được củng cố, kiện toàn.

Trong thời gian tới, huyện Bạch Thông tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp; chú trọng nâng cao năng suất, sản lượng các cây trồng thế mạnh; đẩy mạnh công tác liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; huy động tốt các nguồn lực để đầu tư xây dựng nông thôn mới với trọng tâm tập trung nâng cao đời sống nhân dân và giảm nghèo bền vững; tiếp tục phát triển văn hóa - xã hội; thực hiện tốt công tác quốc phòng, an ninh …/.

Hương Dịu