PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

03/09/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Định hướng quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050
Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn hiện có 01 cơ sở trợ giúp xã hội (Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp) và 01 Cơ sở Cai nghiện ma túy trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; 01 Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo.

Tính đến 31/12/2019, toàn tỉnh có 8.715 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng, chiếm tỷ lệ 2,77% dân số của tỉnh; trong đó, có 79 trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; 21 người từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; 42 người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; 607 người đơn thân; 3.566 người cao tuổi (trong đó 70 người cao tuổi nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng; 3.495 người từ đủ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng); 4.400 người khuyết tật (1.228 người khuyết tật đặc biệt nặng, 3.172 người khuyết tật nặng).

Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp và Công tác xã hội trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Cơ sở Nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trực thuộc Sở Y tế. Mỗi năm, Cơ sở tiếp nhận bình quân khoảng 100 lượt đối tượng vào chăm sóc, nuôi dưỡng. Hiện nay, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp đang quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng 87 người, trong đó có 29 trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; 10 người từ 16 đến 22 tuổi đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; 10 người cao tuổi; 35 người khuyết tật đặc biệt nặng; 03 đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp.

Đối với đối tượng là người nghiện ma túy: Năm 2019, toàn tỉnh có 1.179 đối tượng nghiện ma túy đang có hồ sơ quản lý, trong đó độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi có 351 người, trên 30 tuổi có 828 người, đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện bắt buộc 103 người, trong Trại tạm giam Công an tỉnh 48 người, đang sống ở ngoài xã hội 1.028 người.

Dự ước đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 15.000 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng. Để đảm bảo cho công tác nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng có chất lượng, hiệu quả, tỉnh Bắc Kạn xác định cần đầu tư nâng cấp mở rộng, trang thiết bị, dụng cụ phục hồi chức năng cho người tâm thần... phục vụ cho khoảng 200 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội đủ điều kiện được tiếp nhận vào Cơ sở Bảo trợ xã hội khi có nhu cầu; đầu tư phương tiện chuyên dùng chăm sóc các đối tượng, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi. Tầm nhìn đến 2050, Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh có thể đáp ứng quy mô từ 300 - 500 đối tượng bảo trợ xã hội.

Đối với công tác cai nghiện ma túy cho người nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy, hiện nay, tệ nạn ma túy, người sử dụng và người nghiện ma túy có nhiều diễn biến phức tạp, tình trạng người nghiện và người sử dụng ma túy tổng hợp có chiều hướng gia tăng về số lượng, thành phần và ngày càng trẻ hóa do xuất hiện, gia tăng nhiều loại ma túy tổng hợp mới. Ngoài nghiện thuốc phiện, heroin, nghiện ma túy tổng hợp, nhóm chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) đặc biệt là Methamphetamine (ma túy đá), Cocaine, Cần sa, “cỏ Mỹ, nấm” và các chất hướng thần khác đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều, gây rối loạn tâm thần và nguy cơ mất an ninh trật tự. Dự báo đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng gần 2.000 đối tượng nghiện ma túy. Để đảm bảo cho công tác tổ chức cai nghiện có chất lượng, hiệu quả, an toàn, cần thiết phải quy hoạch lại và có lộ trình đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ các hạng mục phục vụ công tác quản lý của Cơ sở Cai nghiện ma túy.

Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, tỉnh Bắc Kạn đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh được củng cố, nâng cấp với quy mô đáp ứng cai nghiện cho 300 người nghiện; Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp được mở rộng, xây mới Cơ sở 2 chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, quy mô đáp ứng cho 150 người. Tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục duy trì hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội hiện có, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và đẩy mạnh việc chăm sóc các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; khuyến khích các huyện, thành phố, các tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập thuộc cấp huyện quản lý để thực hiện kịp thời các nhiệm vụ, tình huống đột xuất, khẩn cấp về quản lý và chăm sóc đối tượng ở cộng đồng.

Để thực hiện có hiệu quả công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn, tỉnh Bắc Kạn xác định tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm và nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội, cộng đồng và mỗi người dân trong công tác trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội. Xây dựng và ban hành hệ thống quy chế, quy định nhằm cụ thể hóa các yêu cầu của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra các hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội, đồng thời duy trì tốt các quy định về tiêu chuẩn chăm sóc trong các cơ sở nhằm đảm bảo các quyền cơ bản của đối tượng được trợ giúp. Xây dựng hệ thống các chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư, xây dựng; thành lập các cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập nhằm khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh. Tăng cường thu hút nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất, chăm sóc đối tượng cho các cơ sở trợ giúp xã hội. Tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương để huy động lồng ghép nguồn lực thuộc các chương trình, đề án, kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội. Đẩy mạnh xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân để huy động nguồn lực đầu tư vào các cơ sở trợ giúp xã hội. Thành lập, hoàn thiện tổ chức bộ máy và hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng của đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó ưu tiên đào tạo về các chuyên ngành như: Y tế, tâm lý học, xã hội học, công tác xã hội để nâng cao chất lượng của hoạt động trợ giúp, từng bước tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc đối tượng chất lượng cao. Đổi mới hình thức, cơ chế cung cấp dịch vụ trợ giúp của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật và các nhóm đối tượng có nhu cầu khác theo cơ chế tự nguyện, có trả phí đối với các đối tượng có điều kiện chi trả.

Dự kiến nguồn lực thực hiện là từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương, nguồn vốn thu hút đầu tư nước ngoài, huy động xã hội hóa của cá nhân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư và nguồn huy động đóng góp của Nhân dân, cộng đồng dân cư./.

Minh Huyền