PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

02/11/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Khai thác lợi thế nuôi trồng thủy sản
Là tỉnh miền núi, diện tích nuôi trồng thủy sản không nhiều nhưng môi trường nuôi trồng sạch, chất lượng tốt nên người dân đã khai thác nguồn lợi này để phát triển thủy sản ở địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nghề nuôi thủy sản giúp tăng thêm nguồn thu nhập cho người dân huyện Chợ Đồn 

Hiện nay, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh là hơn 1.300 ha. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt gần 2.400 tấn, năng suất đạt 17,6 tạ/ha. Phần lớn thủy sản được nuôi theo phương thức quảng canh và bán thâm canh, nuôi ghép các loài truyền thống như cá mè, trôi, trắm, chép, rô phi... tại ao và một số diện tích ruộng chủ động nước. Bên cạnh đó còn có một số diện tích nuôi đơn loài như cá rô phi, chép lai, cá hồi, cá tầm và một số loài cá bản địa như cá chày... nhưng quy mô nhỏ, nguồn vốn đầu tư thấp.

Do diện tích mặt nước không lớn, người dân tận dụng nguồn nước từ các khe đồi để đắp ao hay dành một phần ruộng làm ao… Không chỉ cải thiện bữa ăn hằng ngày, nhiều hộ đã chú trọng chăm sóc và mở rộng diện tích để tăng sản lượng, tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Như hộ anh Hoàng Văn Quyến ở thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn nuôi cá khoảng chục năm nay với diện tích hơn 3.000 m2. Anh chia thành các ao nhỏ nuôi gối để đảm bảo lúc nào cũng có cá xuất bán. Để có nguồn thức ăn cho cá, gia đình anh trồng cỏ voi, chuối xung quanh bờ ao và bổ sung thêm bột ngô. Các loại cá chép, trắm, rô phi đơn tính được gia đình anh bán tại các chợ phiên lân cận, cá to thì giao cho nhà hàng nên về cơ bản không khó khăn đầu ra. Nhờ nuôi cá, mỗi năm gia đình anh có thêm thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng.

Còn gia đình ông Phan Văn Ngự ở xã Phương Viên, huyện Chợ Đồn đã duy trì diện tích ao nuôi cá từ nhiều năm nay. Theo ông Ngự, ngoài diện tích trồng lúa, hiện tại gia đình có 4.000 m2 diện tích ao nuôi cá. Nắm được nhu cầu thị trường hiện nay rất ưa chuộng cá sạch, ông Ngự đã đầu tư thả các loại cá như: Trắm, chép, trôi, rô phi đơn tính…, thức ăn chủ yếu bằng lá, thân cây chuối, cám ngô, gạo do đó lượng cá sau mỗi vụ thu hoạch đều được tiêu thụ thuận lợi tại địa phương hoặc các thương lái đến tận nơi mua. Thu nhập từ nuôi thủy sản đã mang thêm nguồn thu cho gia đình từ 25 - 30 triệu đồng.

Cùng với phát triển hình thức ao nuôi, nhiều hộ dân đã lựa chọn hình thức nuôi cá ở ruộng, chỉ sau thời gian khoảng 3 tháng là có thể cho thu hoạch. Từ chỗ chỉ nuôi để cung cấp thêm thực phẩm cho gia đình thì nay một số hộ đã mở rộng quy mô lên thành hàng hóa. Ngoài ra, cùng với việc đảm bảo nguồn giống, thức ăn, các hộ dân đã chú trọng việc chăm sóc, phòng bệnh cho cá theo mùa nên sản lượng cá nuôi thả của người dân hiện nay khá lớn. Theo thống kê, sản lượng nuôi trồng thủy sản ở ao, hồ, ruộng năm 2020 đạt 2.283 tấn, bằng 263% so với năm 2011, năng suất đạt 17,1 tạ/ha gấp 2,1 lần so với năm 2011.

Đối với diện tích mặt nước lớn, người dân địa phương đã phát triển nuôi cá lồng. Mặc dù không nhiều, nhưng tính đến nay, toàn tỉnh có 46 lồng nuôi cá, sản lượng đạt 74 tấn. Đa phần các lồng cá được làm bằng khung kẽm chắc chắn có thể tích 50 m3 trở lên, thay thế dần cho các lồng làm bằng tre nứa trước đây. Các loài cá nuôi lồng chủ yếu như: Cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, cá trắm cỏ, cá trắm đen, cá chép...

Ba Bể là địa phương phát triển nghề nuôi cá lồng nhiều nhất trong tỉnh. Khai thác tiềm năng, lợi thế mặt nước của sông Năng, nhiều hộ dân trên địa bàn đã và đang nuôi cá lồng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới, góp phần nâng cao thu nhập. Dọc các xã Thượng Giáo, Bành Trạch, Khang Ninh, thị trấn Chợ Rã, người dân đã khai thác lợi thế mặt nước của dòng sông Năng chảy qua phát triển với khoảng 30 lồng cá như: Trắm, chép, diêu hồng. Nhờ có dòng nước lưu thông trên sông Năng nên người chăn nuôi không phải lo lượng thức ăn thừa như nuôi trong ao. Bên cạnh đó, giảm được khâu xử lý môi trường ao nuôi và thời gian nghỉ của ao sau mỗi vụ, từ đó giảm nhiều chi phí, nâng cao thu nhập. Theo các hộ dân, mô hình nuôi cá này có tiềm năng phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong giai đoạn 2011 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã triển khai một số dự án khoa học, trong đó có mô hình nuôi cá diêu hồng trong lồng bè, mô hình tận dụng tiềm năng mặt nước trên sông và hồ chứa nuôi cá trong lồng bè.... Kết quả, nhiều mô hình được nhân rộng, duy trì và phát huy hiệu quả, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản tập trung được hình thành với hình thức bán thâm canh và sản xuất theo hướng hàng hóa. Nhờ thực hiện tốt khâu phòng bệnh nên dịch bệnh được khống chế, giảm thiểu thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản. Từ đó, thu nhập của người dân từ các hoạt động nuôi trồng thủy sản được tăng lên, đời sống từng bước được cải thiện.

Song song với phương pháp nuôi truyền thống, tận dụng nguồn tài nguyên nước lạnh, những năm gần đây đã có một số doanh nghiệp đầu tư vào nuôi cá hồi, cá tầm, góp phần vào phát triển kinh tế và tăng thêm cơ cấu giống loài nuôi mới. Hiện nay, tỉnh có 2 cơ sở nuôi cá nước lạnh, tổng diện tích 1,1 ha, sản lượng đạt 7,2 tấn, năng suất đạt 6,5 tạ/ha.

Đỉnh Pù Lầu thuộc thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể nằm dưới chân núi Phja Bjoóc là nơi rất mát mẻ, yên tĩnh, nước đầu nguồn sạch, quanh năm mát lạnh, sườn núi có độ dốc cao, nước chảy mạnh rất thích hợp để nuôi cá tầm, cá hồi. Nhận thấy lợi thế này, anh Đặng Hành Dũng đã bàn bạc với gia đình và quyết tâm bắt tay vào khởi nghiệp. Cơ sở của anh hiện có 4 bể cá, thời điểm nuôi nhiều có đến 4.000 con cá tầm, cá hồi các loại.

Trại cá tại xã Bằng Phúc đầu tư hệ thống bể cá tương đối lớn

Còn tại xã Bằng Phúc, với diện tích nuôi lớn hơn, người dân đã tận dụng thượng nguồn sông Cầu được bắt nguồn từ dãy núi Tam Tao, nơi có dòng nước quanh năm mát lạnh để lấy nước nuôi cá. Đầu tư khá bài bản từ hệ thống bể cá với mái lợp và xử lý nước, quy trình chăm sóc nghiêm ngặt nên chất lượng cá đảm bảo đã mang lại thu nhập cao từ việc nuôi cá tầm, cá hồi.

Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước lớn, tăng sản lượng thủy sản tự nhiên, góp phần cân bằng hệ sinh thái thủy sinh, xóa đói giảm nghèo cho Nhân dân vùng ven hồ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản tại hồ Khuổi Khe (xã Kim Lư, huyện Na Rì), hồ Bản Chang (xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn).

Cùng với đó, nhiệm vụ quan trắc môi trường cũng được thực hiện nghiêm. Năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai tổ chức lấy 180 mẫu nước ao nuôi trồng thủy sản tại 30 hộ, tập trung vào đối tượng ao nuôi cá rô phi, cá chép, cá trắm cỏ tại huyện Chợ Đồn và huyện Bạch Thông. Nhìn chung, môi trường nước nuôi trồng thủy sản trong ao tương đối sạch, các chỉ số nằm trong giới hạn cho phép.

Để khai thác tiềm năng sẵn có về diện tích, phát triển thủy sản, đáp ứng một phần nhu cầu thực phẩm của người dân địa phương, nâng cao đời sống người nuôi trồng thủy sản, gắn với du lịch sinh thái ở khu vực nuôi cá nước lạnh, Bắc Kạn đang hướng tới phát triển sản phẩm thủy sản an toàn, phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác thủy sản, liên kết trong tiêu thụ.

Trong đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển nuôi hiệu quả các thủy sản truyền thống và các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao, các đối tượng nuôi bản địa, quý hiếm gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Khai thác lợi thế tự nhiên phát triển cá nước lạnh. Đa dạng hóa phương thức nuôi, áp dụng phương thức nuôi phù hợp theo các đối tượng, nuôi xen cá lúa. Đồng thời chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ người dân áp dụng tiến bộ vào nuôi thương phẩm các đối tượng thủy sản đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao thông qua các chương trình, dự án, đào tạo nghề. Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, sản lượng nuôi trồng đạt 2.950 tấn/năm, năng suất đạt 21,7 tạ/ha./.

Hương Lan