PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Khi nông dân làm khoa học
Trong quá trình sản xuất, lao động thực tiễn, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo, nghiên cứu khoa học để áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

“Cái khó ló cái khôn”

Năm 2008, anh thợ mộc người Sán Dìu Trương Văn Thủy khởi nghiệp với xưởng gỗ được mở tại thôn Còi Mò, xã Tân Tú, huyện Bạch Thông. Trong quá trình sản xuất thực tế, anh đã nghiên cứu cải tiến máy xẻ gỗ và cải tiến lò sấy gỗ bằng hơi nước để nâng cao năng suất lao động cũng như chất lượng sản phẩm gỗ. Cụ thể, năm 2017, anh Thủy đã cải tiến thành công và hiệu quả công năng của máy xẻ gỗ CD đứng, vốn chỉ xẻ gỗ tròn ra thành phẩm thì nay đã có thêm rất nhiều tính năng với độ an toàn rất cao trong sử dụng, như có thể dọc bào cánh cửa, ghép ván, cắt độ chéo, độ dài tùy ý… So với các máy xẻ gỗ đã có trên thị trường, máy xẻ gỗ cải tiến của anh Thủy giúp thanh gỗ vừa được xẻ, vừa được bào thẳm cùng một lúc nên đã giảm chi phí thời gian, công lao động. Thanh gỗ được bào đạt được độ bằng phẳng gần như tuyệt đối nên khi ghép các thanh gỗ để thành hàng hóa, các mạch ghép gần như khép kín đã nâng cao chất lượng và thẩm mỹ sản phẩm hàng hóa.

Anh Trương Văn Thủy cho biết, chi phí cải tiến mỗi máy chỉ mất 4 triệu đồng. Sau cải tiến, năng suất lao động tăng, nếu trước đây, 2 thợ lành nghề sản xuất được 40 sản phẩm/ngày thì dùng máy cải tiến sản xuất được 300 sản phẩm/ngày. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm được nâng cao và đảm bảo độ an toàn trong sử dụng.

Với sáng chế “Cải tiến máy xẻ gỗ” này, anh Thủy được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018. Sáng kiến cải tiến kỹ thuật của anh cũng được trao giải Khuyến khích trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 14, năm 2016 - 2017.

Trước thực trạng phơi gỗ tự nhiên mất rất nhiều thời gian và nhân công, kinh phí để đầu tư các loại lò sấy dùng hơi nước, điện, năng lượng mặt trời quá cao, năm 2019, anh Trương Văn Thủy tiếp tục nghiên cứu cải tiến lò sấy gỗ bằng hơi nước không có khói, thân thiện với môi trường. Chỉ với kinh phí 15 triệu đồng xây dựng lò sấy gỗ, xưởng gỗ của anh Thủy luôn chủ động được gỗ khô để sản xuất. Với lò sấy cải tiến tận dụng mùn cưa, đầu mẩu, bìa gỗ bóc của xưởng để sấy nên không phải chi phí thêm nhiên liệu. Gỗ được sấy khô, màu sắc đẹp và độ lì cao, không lo mối mọt.

Anh Trương Văn Thủy bên lò sấy gỗ

Cũng sáng chế ra máy móc trong quá trình sản xuất đó là anh Nguyễn Văn Tuấn tại thôn Nà Tâng, xã Cường Lợi, huyện Na Rì đã tự mày mò, nghiên cứu ra các loại nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nhận thấy phát triển kinh tế của địa phương là trồng ngô, lúa với công cụ lao động chủ yếu của bà con chỉ là cái bai, cái quốc nên rất tốn thời gian, nhân công lao động chăm sóc cây trồng; thấm nhuần sự vất vả đó của bản thân và gia đình cũng như bà con xung quanh, anh Tuấn đã nảy sinh ý tưởng chế tạo máy thay sức lao động của con người.

Năm 2010, anh Tuấn đã chế tạo thành công chiếc máy xới cỏ kết hợp vun ngô. Từ chiếc máy này, anh cải tiến thành máy nông nghiệp đa năng gồm 10 hệ thống, chiếc máy được đưa ra thử nghiệm thực tế trên đồng ruộng cho thấy hiệu suất công việc cao, giảm chi phí đầu tư, bớt thời gian nhân công. Đặc biệt, máy phù hợp với địa hình cũng như quy mô canh tác của bà con, do đó được nhiều người dân tin dùng. Đây là nguồn động viên rất lớn để anh Ngân vững tin và tiếp tục nghiên cứu, chế tạo các loại máy móc nông cụ.

Năm 2016, anh Tuấn cùng 6 thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số trong và ngoài xã thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ, sản xuất, chế tạo công cụ máy nông nghiệp Thành Ngân. HTX đã nghiên cứu, chế tạo được 2 loại máy nông nghiệp đa năng phù hợp với từng mục đích sử dụng của bà con. Trong đó, máy đa năng cỡ nhỏ có thể cào cỏ, cuốc xới đất, đánh rãnh, vun ngô, bơm nước (các chức năng hoạt động độc lập); máy đa năng cỡ lớn bao gồm các chức năng liên hoàn như cào cỏ, cuốc xới đất, làm phẳng bề mặt đất, đánh rãnh - tra ngô - tra lân - vùi lấp đất, vun ngô, bơm phun nước áp lực cao, phát điện thắp sáng, bơm nước tưới tiêu.

Với sản phẩm máy nông cụ tự sáng chế, anh Tuấn đã được trao giải Nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn lần thứ 4, năm 2016 - 2017. Năm 2018, anh Tuấn vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông”.

Ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị sản phẩm

Chị Vi Thùy Dương tại buổi lễ tôn vinh "Nhà khoa học của Nhà nông" lần thứ 3 - năm 2020

Trong lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể tại tỉnh Bắc Kạn, chị Vi Thùy Dương - Giám đốc HTX Hương Ngàn (tại xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông) được biết đến là một nữ giám đốc HTX năng động, không ngừng học hỏi và ứng dụng công nghệ, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao.

Trước thực trạng việc tiêu thụ quýt của người dân địa phương gặp nhiều khó khăn khi chỉ bán thô, giá cả bấp bênh phụ thuộc vào thương lái, chị Dương đã nghiên cứu chế biến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt bản địa, đó là chưng cất tinh dầu từ vỏ quýt, làm rượu từ ruột quả quýt, mứt quýt.

Với giải pháp “Chế biến nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt bản địa” mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội như: Nâng cao giá trị cây quýt bản địa, tăng thu nhập cho bà con từ việc tận dụng, thu mua quýt rụng, quýt bi; tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động từ chế biến sản phẩm của HTX; góp phần giảm nghèo ở địa phương, chị Vi Thùy Dương đã được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà khoa học của Nhà nông” lần thứ ba - năm 2020.

Sau khi tinh dầu quýt đã được thị trường đón nhận, HTX Hương Ngàn đã được giao chủ trì thực hiện dự án khoa học cấp tỉnh “Hoàn thiện quy trình sản xuất tinh dầu và phát triển sản phẩm trà hòa tan từ quả quýt Bắc Kạn” từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2022; Dự án đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ chuyên ngành tỉnh nghiệm thu với kết quả xếp loại Khá.

Trước khi nghiên cứu các sản phẩm từ quả quýt, HTX Hương Ngàn đã nghiên cứu sản xuất tinh dầu xả với vùng nguyên liệu canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hiện nay, HTX Hương Ngàn đang nghiên cứu phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ quả bưởi rừng, nếu thành công thì đây sẽ là chuỗi giá trị sản phẩm thứ hai của HTX sau chuỗi giá trị sản phẩm từ quả quýt, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương./.

Hương Dịu