PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

27/05/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Khoa học công nghệ góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Những năm qua, Bắc Kạn đã thực hiện các chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều đề tài, dự án được triển khai đã góp phần thiết thực, thay đổi diện mạo đời sống Nhân dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Mô hình trồng bưởi Diễn tại xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới đã bước đầu phát huy hiệu quả

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Thường trực UBND tỉnh. Trong đó, đơn vị tập trung chỉ đạo rà soát tình hình nhân rộng các đề tài, dự án khoa học công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất và đời sống, nỗ lực tham mưu được các nhiệm vụ lớn, có tính đột phá, khả thi, đồng thời tập trung chỉ đạo, triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tới tất cả xã, phường, thị trấn. Sở cũng tăng cường thực hiện đổi mới sáng tạo và hướng dẫn các tổ chức, người dân xây dựng mã số, mã vạch, truy suất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm, tiếp tục đổi mới hoạt động ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ.

Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong những năm qua được chú trọng. Việc lựa chọn danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ xuất phát từ hướng ưu tiêu phục vụ mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và nhu cầu của các ngành nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn. Sau khi nghiệm thu, Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành bàn giao kết quả các nhiệm vụ cho các ngành, các huyện để nhân rộng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Giai đoạn 2015 - 2020, ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh đã triển khai thực hiện 42 đề tài, dự án, trong đó nhiều kết quả nghiên cứu có giá trị được ứng dụng trong sản xuất, đời sống.

Đối với các nhiệm vụ cấp bộ, cấp quốc gia, tỉnh triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng theo yêu cầu. Các nhiệm vụ đang được triển khai như nhiệm vụ “Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình thâm canh và nhân giống hồng không hạt Na Rì, tỉnh Bắc Kạn” thuộc Chương trình nông thôn miền núi ủy quyền địa phương quản lý hiện nay đã tổ chức thẩm định nội dung và kinh phí, đang đôn đốc cơ quan chủ trì chỉnh sửa hoàn thiện thuyết minh, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt thực hiện. Nhiệm vụ “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất gạch xi măng - cốt liệu từ nguồn đá mạt và các nguyên liệu sẵn có ở tỉnh Bắc Kạn” thuộc Chương trình nông thôn miền núi Trung ương quản lý hiện đang hoàn thiện thủ tục, trình Bộ khoa học và Công nghệ phê duyệt và ký hợp đồng thực hiện. Nhiệm vụ “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình chế biến quýt, mơ của Bắc Kạn theo công nghệ cô đặc tại nhiệt độ thấp và áp suất thường (JEVA) để tạo ra sản phẩm mới phục vụ thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu” đã được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục...

Các nhiệm vụ cấp tỉnh và cấp cơ sở cũng được triển khai thực hiện đảm bảo theo kế hoạch. Sở Khoa học và Công nghệ làm việc với các địa phương tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và tổ chức bàn giao các sản phẩm đề tài, dự án. Nhiều dự án, đề tài được triển khai đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Dự án Bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch Ba Bể là một trong những dự án bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Dự án do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện trong thời gian từ tháng 10/2018 đến tháng 12/2020 tại huyện Ba Bể. Kết thúc thời gian triển khai, Dự án đã đạt được mục tiêu, hoàn thành các nội dung theo thuyết minh đề ra. Dự án đã xây dựng và duy trì được mô hình hoạt động của 5 đội văn nghệ dân gian dân tộc Tày, Dao, Mông phục vụ khách du lịch đến tham quan hồ Ba Bể. Xây dựng mô hình hoạt động của Khu vui chơi giải trí và giao lưu văn hóa, ẩm thực dân tộc; mô hình hoạt động của khu tắm thuốc người Dao và trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, tiêu biểu làm quà lưu niệm cho khách du lịch… Tại Hội nghị nghiệm thu Dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa đánh giá, kết quả của Dự án đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp người dân nâng cao nhận thức trong việc giữ gìn giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch hồ Ba Bể. Sản phẩm của Dự án có tính ứng dụng cao, gắn với thực tiễn về phát triển du lịch hồ Ba Bể.

Mô hình hoạt động của đội văn nghệ dân gian dân tộc Tày vùng hồ Ba Bể thu hút được đông đảo du khách

Với thế mạnh về nông lâm nghiệp, trong những năm qua, tỉnh đã ưu tiên triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc lĩnh vực này. Chỉ tính riêng năm 2020, trong 30 nhiệm vụ khoa học công nghệ (bao gồm cả nhiệm vụ chuyển tiếp), có 24 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, chiếm 80%. Đến nay, các đề tài, dự án cơ bản triển khai đúng tiến độ, nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực, như mô hình bưởi diễn, mô hình sản xuất chè hàng hóa, cà gai leo, bí thơm Ba Bể, hồng không hạt, bưởi Diễn, lúa Bao thai, chế biến chuối tây... Kết quả nổi bật trong triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp có tác động lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đối với cây cam, quýt, địa phương đã hình thành vùng sản xuất tập trung tại các huyện Bạch Thông, Chợ Đồn, Ba Bể. Các giống mới tiếp tục được đưa vào trồng thử nghiệm tại một số vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Hay đối với dự án trồng cam Xã Đoài, từ thử nghiệm 30 ha (năm 2014) tại 3 huyện Ba Bể, Na Rì, Chợ Đồn, đến nay, tổng diện tích trồng cam Xã Đoài của tỉnh đã phát triển lên đến hơn 200 ha. Còn mô hình trồng bưởi tại xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới đã trồng 05 ha bưởi, trong đó 4,9 ha trồng cây bưởi Diễn; 0,1 ha trồng cây bưởi đỏ Tân Lạc. Mô hình này được thực hiện bước đầu phát huy hiệu quả, tiến tới thay thế các cây trồng giá trị kinh tế thấp ở địa phương như cây mía, cây lúa, cây ngô.

Đến nay, nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào đời sống và sản xuất đã tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời là cơ sở cho việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đối với vùng đồng bào dân tộc trong tỉnh, kết quả của các đề tài, dự án đã tác động tích cực đến nhận thức, phương thức sản xuất, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều kết quả nghiên cứu chưa nhân rộng vào thực tiễn. Việc đầu tư tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ còn nhiều khó khăn. Công nghệ sản xuất của đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn lạc hậu. Thị trường khoa học công nghệ chưa phát triển… Đây là những khó khăn còn tồn tại cần được khắc phục để triển khai tốt hơn trong giai đoạn 2021 - 2025.

Vì vậy, thời gian tiếp theo, Bắc Kạn tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ; xây dựng cơ chế chính sách thu hút, sử dụng nguồn lực có trình độ cao trên một số lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tiễn; tập trung nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính thực tiễn và cấp thiết, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Hương Lan