Độ tương phản
Các ngành hàng được huyện Na Rì lựa chọn để xây dựng phát triển theo chuỗi giá trị là những ngành hàng có tiềm năng thế mạnh, nằm trong định hướng phát triển của địa phương. Triển khai thực hiện chuỗi giá trị sẽ tạo sự liên kết sản xuất từ người dân đến đơn vị bao tiêu, góp phần thúc đẩy sản xuất, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động tại địa phương.
Triển khai chuỗi giá trị liên kết sản xuất gà thả vườn, huyện Na Rì chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện cho 19 tổ hợp tác, 254 hộ tham gia với tổng kinh phí thực hiện hơn 2,8 tỷ đồng; qua đây tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho 254 hộ chăn nuôi trên địa bàn, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định cuộc sống cho người dân địa phương.
Theo tính toán sơ bộ, hiệu quả kinh tế khi nuôi 200 con gà tới lúc xuất chuồng (trong thời gian 4 tháng), sau khi trừ chi phí sẽ thu lãi 11 triệu đồng. So với việc nuôi gà không có liên kết, do không xuất bán được cùng thời điểm, các hộ dân sẽ mất nhiều thời gian để đi bán lẻ, gây tốn kém về thức ăn và chi phí khác.
Việc tạo được liên kết tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị sẽ tạo cơ sở bước đầu để xây dựng vùng chăn nuôi gà thương phẩm theo hướng an toàn sinh học tại địa phương. Hơn nữa, việc chăn nuôi gà thả vườn được các hộ dân tận dụng diện tích chuồng trại và vườn cây có sẵn để sản xuất, do vậy không làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Với số lượng bình quân 200 con gà/hộ cũng chưa làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Chuỗi giá trị nghệ duy trì từ năm 2021 đến nay với diện tích trung bình từ 10 - 15ha/năm. Sau khi trừ chi phí, 1ha cây nghệ cho thu nhập khoảng 86 triệu đồng. Khi tham gia thực hiện theo chuỗi giá trị, người dân được tạo thêm công ăn việc làm, được tập huấn khoa học kỹ thuật, khi có sản phẩm sẽ có đơn vị liên kết bao tiêu. Trong quá trình thực hiện, các hộ dân được hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và thực hiện các biện pháp sản xuất theo đúng quy trình, tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chuỗi giá trị lợn đen được phát triển theo hướng các gia trại, hợp tác xã (HTX) chăn nuôi. Tiêu biểu trong chuỗi lợn đen có HTX Trần Phú; HTX Công Thành Phát; HTX Dịch vụ tổng hợp Na Rì; HTX Nông nghiệp Liêm Thủy và nhiều hộ dân chăn nuôi lợn có quy mô lớn từ 50 con trở lên tại các xã Kim Lư, Sơn Thành, Văn Minh, Trần Phú,... Lĩnh vực phát triển chăn nuôi lợn của huyện đã có những sản phẩm được phát triển thành hàng hóa, được công nhận sản phẩm OCOP.
Việc hỗ trợ nhân giống lợn đen trên địa bàn huyện hiện nay được HTX Trần Phú cung cấp một phần, còn lại người dân tự mua hoặc tự sản xuất con giống. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 3,7 triệu đồng/con. Việc thực hiện thành công dự án tạo cơ sở để tiến tới xây dựng vùng chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học tại địa phương. Việc chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học không những giảm được những rủi ro về dịch bệnh mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Chuỗi giá trị hồng không hạt cũng mang lại nhiều kết quả tích cực. Đối với diện tích cây hồng không hạt, Na Rì đang có 130ha, tăng hơn 72 ha so với năm 2021, được tập trung tại các xã Sơn Thành, Trần Phú, Dương Sơn, Kim Lư, Cư Lễ,... Hồng không hạt có 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, huyện cũng gặp một số khó khăn khi triển khai kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ, chủ yếu phục vụ nhu cầu ngay tại địa phương. Một số chuỗi liên kết gà thả đồi, lợn đen bị gián đoạn. Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi đã làm tổng đàn lợn trên địa bàn giảm, việc tái và tăng đàn tại một số hộ dân gặp khó khăn.
Để tiếp tục duy trì, phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị, huyện Na Rì đang duy trì, nâng cao hoạt động của các tổ hợp tác, mở rộng quy mô liên kết sản xuất đối với các chuỗi giá trị có tiềm năng phát triển như lợn đen, gà, hồng không hạt. Đối với các chuỗi lợn đen, gà thả vườn, huyện sẽ tập trung phát triển theo hướng quy mô trang trại vừa và nhỏ, tập trung chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hữu cơ. Đồng thời, tập trung các nguồn lực để hỗ trợ các HTX đầu tư xây dựng cơ sở, trang thiết bị phục vụ chế biến trên địa bàn huyện; hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực, tập huấn khoa học kỹ thuật cho các thành viên tổ hợp tác, HTX trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiếp cận, quảng bá thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm.../.
Huyện Chợ Mới triển khai nhiều hoạt động trong đợt “Cao điểm 100 ngày đêm hưởng ứng, thi đua nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ” (04/12/2023)
Ngân Sơn đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương (03/12/2023)
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở ở Chợ Đồn (29/11/2023)
Ngân Sơn tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục (28/11/2023)
Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông nỗ lực vì sức khỏe Nhân dân (26/11/2023)