PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/08/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngân Sơn tập trung phát triển cây ăn quả đặc sản theo hướng bền vững
Hiện nay, diện tích các loại cây ăn quả đặc sản tại huyện Ngân Sơn ngày càng được mở rộng, tuy nhiên chất lượng, hiệu quả chưa cao. Nhận diện rõ những hạn chế, khó khăn, huyện đang từng bước triển khai những giải pháp khắc phục nhằm hướng tới phát triển cây ăn quả bền vững.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa tới thăm mô hình trồng cây dẻ ván,
cây trồng chủ lực của huyện Ngân Sơn

Huyện Ngân Sơn hiện có hơn 100 ha cây dẻ ván, trong đó diện tích cho thu hoạch là hơn 27 ha với năng suất trung bình đạt 56 tạ/ha, tập trung trồng tại các xã Bằng Vân, Đức Vân và thị trấn Nà Phặc. Đây là cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương, dễ chăm sóc và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngoài ra, huyện có hơn 21 ha cây lê (trong đó có hơn 7 ha cây lê lai và hơn 14 ha cây lê ta) với gần 8 ha đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 60 tạ/ha. Cây lê được trồng chủ yếu tại các xã Vân Tùng, Đức Vân, Bằng Vân. Quả lê được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao cho người sản xuất. Hơn 17 ha cây đào đến nay đã có hơn 7 ha đã cho thu hoạch, đạt năng suất trung bình 50 tạ/ha, được trồng chủ yếu tại thị trấn Nà Phặc và các xã Vân Tùng, Đức Vân, Bằng Vân.

Cây hồng không hạt cũng chiếm diện tích lớn với hơn 67 ha, hiện có hơn 40 ha đã cho thu hoạch với năng suất trung bình 60 tạ/ha, được người dân trồng nhiều ở các xã Hiệp Lực, Nà Phặc, Trung Hòa, Đức Vân. Hơn 40 ha cây quýt, đã có hơn 21 ha đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 67 tạ/ha đang được trồng nhiều tại xã Thượng Ân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn huyện Ngân Sơn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Diện tích cây ăn quả còn phân tán, chưa hình thành được vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, do vậy khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất cũng như tổ chức liên kết sản suất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Diện tích cây trồng được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGAP chưa nhiều. Người dân chưa chú trọng áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thâm canh nên nhiều diện tích cây ăn quả bị thoái hóa, kém phát triển, năng suất, chất lượng thấp, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của các loại cây đặc sản. Sản xuất đang ở quy mô nhỏ lẻ cũng là rào cản lớn đối với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào thâm canh và tiêu thụ sản phẩm. Khâu thu hoạch, chế biến chủ yếu bằng phương pháp thủ công, chủ yếu là sản xuất tươi và tiêu thụ trực tiếp. Mẫu mã, hình thức sản phẩm chưa hấp dẫn nên chưa đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn.

Để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế từ các loại cây ăn quả chủ lực, huyện Ngân Sơn đặt mục tiêu phấn đấu từ nay đến năm 2025: Trồng hơn 185 ha cây dẻ ván, đồng thời duy trì sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đối với cây trồng này; đối với cây lê, huyện phấn đấu đạt trên 28 ha, trồng tập trung tại các xã Bằng Vân, Đức Vân, Vân Tùng; duy trì diện tích hơn 40 ha cây quýt, phấn đấu đạt 50 ha cây đào, trên 60 ha cây hồng không hạt.

Để thực hiện các mục tiêu trên, huyện tiến hành rà soát, đánh giá tiềm năng và nhu cầu của các hộ gia đình có đất đai phù hợp với phát triển cây ăn quả đặc sản; phân vùng trồng để có điều kiện thâm canh tăng năng suất, quy mô đủ lớn cho công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Huyện cũng chú trọng áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như bón phân, cắt tỉa, tạo tán, đốn phục để thâm canh, tăng năng suất đối với diện tích cây ăn quả đặc sản hiện có và diện tích cây đã bị già cỗi, thoái hóa song còn khả năng hồi phục được. Ngoài ra, huyện tập trung trồng mới, mở rộng diện tích và trồng mới thay thế những diện tích đã già cỗi, thoái hóa nhưng không khắc phục được. Cùng với mở rộng diện tích thì việc nâng cao chất lượng các loại cây ăn quả đặc sản cũng được huyện quan tâm triển khai trong thời gian tới. Huyện phấn đấu đến năm 2025, có hơn 318 ha cây ăn quả đặc sản được cấp có thẩm quyền công nhận đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, OCOP…

Huyện xác định tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền dưới nhiều hình thức như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội nghị, cuộc họp ở cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất cây ăn quả trên địa bàn. Thông qua đây nhằm vận động người dân thay đổi phương thức sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết hình thành vùng sản xuất hàng hóa.

Đối với các giải pháp về kỹ thuật, huyện tăng cường quản lý việc sản xuất giống cây để đảm bảo có đủ lượng giống tốt phục vụ kế hoạch trồng mới hằng năm; rà soát lại toàn bộ cây đầu dòng như cam, hồng không hạt đã được công nhận. Đồng thời thực hiện tốt việc quản lý, giám sát việc khai thác, sử dụng cây đầu dòng, cây có đủ điều kiện sản xuất giống theo đúng quy định nhằm bảo tồn nguồn gen và cung cấp nguyên liệu sản xuất cây giống, không để người dân sử dụng giống cây ăn quả được cung ứng không rõ nguồn gốc hoặc do người dân tự nhân giống mà không qua tuyển chọn. Xây dựng phương án, hợp đồng liên kết sản xuất giống với các vườn sản xuất giống trên địa bàn, các trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học có khả năng sản xuất và cung ứng giống cam, hồng không hạt. Xây dựng, củng cố và cải tạo nhằm nâng cao năng lực của các cơ sở sản xuất giống cây ăn quả hiện có.

Cùng với các giải pháp đó, huyện tiếp tục tăng cường tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về trồng, chăm sóc, sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả, kỹ thuật thu hoạch và chế biến cho từng loại cây ăn quả đặc sản của địa phương nhằm tăng năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm và phấn đấu đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, VietGAP, sản xuất hữu cơ. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để tăng vị ngọt của quả quýt, đẩy mạnh các dịch vụ tư vấn nhằm mở rộng liên kết sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, an toàn. Tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn phòng, chống sâu bệnh, quản lý sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, chế biến, bảo quản các loại quả. Tập trung vào công tác dự tính, dự báo, cảnh báo và tư vấn để người sản xuất cùng tham gia phòng chống dịch bệnh với phương châm phòng là chính.

Để phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, huyện khuyến khích thành lập một số cơ sở chế biến các sản phẩm từ cam, quýt, hồng như nước ép, tinh dầu, hồng sấy. Xây dựng, cải tạo các cơ sở sơ chế, xử lý, đóng gói, bảo quản, chế biến quả trên địa bàn các xã, thị trấn thuộc vùng trồng cây ăn quả tập trung, đảm bảo số lượng, chất lượng cho tiêu thụ, hướng tới xuất khẩu. Thu hút và tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư công nghệ và chế biến quả hồng không hạt thành các sản phẩm hồng sấy dẻo, mứt hồng…

Cùng với đó, chú trọng thành lập mới, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây ăn quả đặc sản. Đối với giải pháp về xúc tiến thương mại, thị trường tiêu thụ, huyện tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại như tham gia các hội chợ, Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả do tỉnh tổ chức; tổ chức hội thi, lễ hội về các loại quả, tôn vinh tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích trong sản xuất các loại quả đặc sản có năng suất, giá trị kinh tế cao trên địa bàn các xã, thị trấn. Cung cấp thông tin và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả đặc sản trong huyện, tỉnh, thị trường trong nước và xuất khẩu. Tăng cường xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu đối với sản phẩm quả cam, hồng không hạt thông qua các hoạt động như tổ chức các Tuần lễ giới thiệu sản phẩm tại các thị trường lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, đặc biệt là các hệ thống siêu thị như BigC, VinMart và các chuỗi cung ứng sản phẩm, hệ thống cửa hàng tiện ích ở các tỉnh, thành phố.

Có thể nói, phát triển cây ăn quả đặc sản theo hướng bền vững là hướng đi phù hợp với xu thế hiện nay nhằm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nông dân cải thiện thu nhập. Qua đó, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội của huyện Ngân Sơn trong thời gian tới./.

Ngọc Tú