PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/11/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Ngành Y tế Bắc Kạn tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số
“Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định 8 lĩnh vực cần ưu tiên và tập trung chuyển đổi số, trong đó Y tế là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Cùng với hệ thống y tế cả nước, ngành Y tế Bắc Kạn đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, phát triển nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, khám chữa bệnh

Song song với việc triển khai và duy trì hiệu quả các phần mềm dùng chung toàn tỉnh như: Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc kết nối liên thông 4 cấp, ứng dụng chữ ký số, hệ thống hòm thư công vụ,... phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, hiện nay, ngành Y tế đã và đang triển khai sâu rộng và hiệu quả các phần mềm chuyên ngành cơ bản như: Phần mềm quản lý khám chữa bệnh, phần mềm y tế cơ sở, phần mềm tiêm chủng quốc gia, phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử…

Ở cấp cơ sở, phần mềm y tế cơ sở được triển khai đồng bộ trong toàn tỉnh. Phần mềm quản lý bệnh viện được ứng dụng rộng rãi tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện. Các đơn vị từ tuyến tỉnh, huyện đến cơ sở đã tập trung xây dựng, cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu chung của các phần mềm, qua đó giúp công tác quản lý toàn Ngành được thuận tiện hơn.

Cùng với đó, 100% đơn vị từ tuyến đỉnh đến tuyến xã đã cập nhật thành công dữ liệu lên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin Giám định Bảo hiểm y tế (BHYT) và thực hiện giám định BHYT theo quy định. 100% đơn vị đã thực hiện kết xuất dữ liệu, giám định điện tử với BHYT; 100% đơn vị đã tiến hành thanh toán bảo hiểm qua hệ thống phần mềm.

Hệ thống danh mục dùng chung đã được các đơn vị xây dựng, cập nhật và khai thác hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thống kê, báo cáo và quản lý khám chữa bệnh, cung cấp thông tin đầy đủ và rút ngắn thời gian thực hiện các quy trình khám, chữa bệnh.

Đặc biệt, Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử được duy trì vận hành thông suốt tại các tuyến. Đây là nền tảng cơ sở quan trọng để triển khai các phần mềm chuyên ngành khác, góp phần phục vụ hiệu quả các hoạt động quản lý, điều hành và nghiệp vụ chuyên môn tại các các cơ sở y tế trong Ngành. Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử sẽ kết nối các cơ sở dữ liệu riêng lẻ, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về sức khỏe người dân trong toàn tỉnh, qua đó tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các đơn vị. Người dân khi đi khám bệnh có thể dịch chuyển thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về tiền sử bệnh tật, sức khoẻ người bệnh được cung cấp cho bác sĩ nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị, giảm bớt chi phí, tiết kiệm thời gian của mỗi người dân cho việc khám, chữa bệnh.

Song song với đó, các cơ sở khám chữa bệnh thường xuyên thực hiện đồng bộ dữ liệu, số liệu giữa các phần mềm y tế; tích hợp dữ liệu về sức khỏe từ các chương trình mục tiêu, hệ thống thông tin quản lý bệnh - tai nạn thương tích, hệ thống thông tin tiêm chủng... lên hệ thống hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân. Mỗi người dân đều có thể sử dụng ứng dụng trên Cổng tra cứu thông tin sức khỏe, ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại di động để quản lý toàn bộ thông tin sức khỏe cá nhân bao gồm các thông tin về hành chính, sức khỏe, thông tin về khám, điều trị tại các cơ sở y tế, dữ liệu và xác nhận tiêm chủng Covid-19.

Việc liên thông toàn bộ dữ liệu sức khỏe cá nhân với hệ thống dữ liệu của các cơ sở y tế đã góp phần quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh, tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả cơ sở y tế cũng như người bệnh.

Phát triển nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa

Thực hiện Đề án khám, chữa bệnh (telehealth) từ xa giai đoạn 2020 - 2025 với quan điểm chủ đạo là "Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa", nhằm nâng cao hiệu quả công tác trao đổi chuyên môn nghiệp vụ cũng như khám chữa bệnh, cùng với các địa phương trong cả nước, ngành Y tế Bắc Kạn đã triển khai hệ thống truyền hình trực tuyến và khám chữa bệnh từ xa gồm 1 điểm cầu tại Sở Y tế, 9 điểm cầu tại bệnh viện/trung tâm y tế cấp huyện và 1 điểm cầu tại trạm y tế xã Vi Hương. Hệ thống truyền hình trực tuyến và khám chữa bệnh từ xa được đưa vào hoạt động không chỉ giúp việc trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong Ngành kịp thời thông suốt, giảm chi phí tổ chức hội họp, mà còn tạo thuận lợi cho công tác điều hành của các cấp lãnh đạo, ngay cả trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh; tăng cường đào tạo, hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến dưới, giảm thiểu tình trạng quá tải ở tuyến trên.

Trong điều kiện dịch Covid19 diễn biến phức tạp, Hệ thống truyền hình trực tuyến và khám chữa bệnh từ xa đã góp phần nâng cao công tác chỉ đạo, quản lý, hội chẩn và khám chữa bệnh của hệ thống y tế toàn tỉnh, giúp các bác sĩ tuyến tỉnh kịp thời tham vấn ý kiến chuyên môn của các bác sĩ bệnh viện đầu ngành, qua đó thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật phức tạp.

Tập trung các giải pháp công nghệ trong phòng chống dịch Covid-19

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền và để người dân có công cụ dễ dàng tra cứu thông tin liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, ngành Y tế đã chủ trì tham mưu cho tỉnh xây dựng và vận hành Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 (CovidMaps) tại địa chỉ https://covidmaps.backan.gov.vn.

Giao diện Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 tỉnh Bắc Kạn

Bản đồ Covid-19 giúp người dân dễ dàng cập nhật các thông tin quan trọng như: Danh sách bệnh nhân nhiễm Covid-19; lộ trình bệnh nhân nhiễm Covid-19 đã từng đến; khu vực sinh sống và địa điểm tiếp xúc của bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong vòng 14 ngày; địa điểm cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh; bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh; các khu vực phong tỏa, khu vực cách ly y tế… Qua đó giúp người dân có thông tin, nâng cao cảnh giác, không di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch. Người dân có thể xem những điểm cách ly tập trung, các vùng cách ly y tế và chốt kiểm soát dịch bệnh tại Bắc Kạn hiển thị trên bản đồ theo thời gian thực tế.

Để ứng phó với sự thay đổi khó lường của dịch bệnh Covid-19, ngành Y tế cũng tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các ngành tăng cường tuyên truyền người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid trên điện thoại di động. Yêu cầu người dân khi đến tất các các địa điểm đều phải thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng và quét mã QR điểm đến.

Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh đã có gần 1.400 điểm quét QRCode. Việc quét mã QR là một giải pháp quan trọng giúp ngành chức năng truy vết và khoanh vùng nhanh nhất các địa điểm và đối tượng để đưa ra các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, phát sinh tình huống khẩn cấp.

Để triển khai đồng bộ các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động chuyên môn, đặc biệt là công tác phòng chống dịch Covid-19, hiện ngành Y tế Bắc Kạn đang không ngừng nỗ lực để xây dựng một nền y tế hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân./.

Thu Hiền