PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/06/2025
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Người dân - chủ thể đồng hành trong tiến trình cải cách hành chính
Những năm qua, công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, cải thiện chất lượng phục vụ Nhân dân. Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cùng chính sự chủ động, tích cực tham gia của người dân đã tạo nên sức mạnh nội lực, thúc đẩy quá trình cải cách đi vào chiều sâu.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Là một trong những ngành có nhiều tương tác trực tiếp với người dân, thời gian qua, ngành Y tế Bắc Kạn đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và cải thiện sự hài lòng của người dân. Từ năm 2020, Sở Y tế đã tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của người dân và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng dịch vụ. Trên cơ sở phân tích những nguyên nhân khiến chỉ số hài lòng còn thấp, Ngành đã tập trung vào cải tạo, xây dựng cơ sở vật chất; cải thiện môi trường y tế xanh - sạch - đẹp; nâng cao năng lực chuyên môn và đặc biệt là đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên y tế.

Riêng trong năm 2024, ngành Y tế đã đầu tư xây mới, cải tạo và nâng cấp 39 công trình y tế; cung cấp 77 danh mục thiết bị cho 8 trung tâm y tế huyện, thành phố và 78 danh mục thiết bị cho 108 trạm y tế xã. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn đến năm 2030. Mô hình bảng điểm chất lượng tại trạm y tế được áp dụng thí điểm, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ người bệnh.

Chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng lên

Chỉ số hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế không ngừng được nâng lên, từ đó tạo dựng niềm tin ngày càng vững chắc với ngành Y tế. Năm 2025, tỷ lệ hài lòng đạt 85%. Đây không chỉ là sự ghi nhận nỗ lực của Ngành mà còn là nguồn động viên để mỗi y bác sĩ, nhân viên y tế tiếp tục phấn đấu, hoàn thiện chuyên môn, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Chị Đỗ Thị Vân, xã Kim Lư (huyện Na Rì) chia sẻ cảm nhận sau khi khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Tôi rất hài lòng vì sức khỏe được chăm sóc tốt và được đội ngũ y bác sĩ tiếp đón nhẹ nhàng, nhiệt tình”.

Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Mạnh Cường cho biết, Ngành đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế công đạt trên 90% vào năm 2030 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Nếu như trước đây, CCHC chủ yếu được nhìn nhận từ phía cơ quan nhà nước thì hiện nay, người dân không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là chủ thể tích cực góp phần vào sự thành công của công cuộc cải cách. Trước hết, người dân là người trực tiếp sử dụng các dịch vụ hành chính công. Sự tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật trong quá trình giao dịch hành chính đã tạo nên một nền tảng vững chắc cho trật tự, kỷ cương hành chính. Đồng thời sự đồng thuận, hợp tác của người dân với cơ quan công quyền chính là yếu tố quan trọng giúp rút ngắn thời gian, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả phục vụ.

Hằng năm, chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cải cách hành chính của các sở, ngành, địa phương. Các cuộc khảo sát xã hội học là kênh phản ánh khách quan thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Người dân có quyền và có vai trò trực tiếp trong việc đánh giá hiệu quả của hệ thống hành chính.

Ở một góc độ khác, người dân cũng chính là lực lượng giám sát, phản ánh và đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động công vụ. Không ít trường hợp người dân kiên quyết từ chối hành vi “lót tay”, “bôi trơn” trong giải quyết thủ tục hành chính, qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự hiểu biết pháp luật và thái độ kiên quyết chống tiêu cực.

Nhìn từ thực tiễn triển khai, có thể thấy để CCHC đạt hiệu quả thiết thực, ngoài sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, cần khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của người dân - đối tượng thụ hưởng và cũng là người đồng hành, giám sát, phản biện tích cực.

Các cấp, ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình trong tiến trình cải cách. Khi người dân thực sự được trao quyền, được lắng nghe và chủ động phản ánh, đề xuất, quá trình cải cách mới thực sự phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, vì Nhân dân phục vụ./.

Thu Trang