PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

08/06/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Người dân cùng bắt nhịp chuyển đổi số
Năm 2022, tỉnh Bắc Kạn xác định là năm thúc đẩy mạnh mẽ, hành động cụ thể về chuyển đổi số. Vì vậy, các sở, ban, ngành và địa phương đã và đang tích cực triển khai các giải pháp chuyển đổi số nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, người dân cũng đã bắt nhịp và đánh giá cao hành trình chuyển đổi số này.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đối với giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), thời gian qua, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã luôn chú trọng công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp. Từ khi Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và Bộ phận một cửa, một cửa liện thông cấp huyện, cấp xã đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đến nay, nhiều người dân đã thực hiện nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến và đánh giá cao sự tiện lợi này.

Anh Nguyễn Văn Lưu, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn chia sẻ: Từ khi Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn triển khai các dịch vụ công trực tuyến, tôi thấy rất thuận lợi cho người dân, chúng tôi có thể ở bất cứ đâu với chiếc điện thoại thông minh cũng có thể gửi hồ sơ qua mạng.

Hiện nay, có nhiều người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ Chính quyền điện tử như: Dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử, tra cứu mã hồ sơ giải quyết TTHC… Đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã có 1.363 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt tỷ lệ 74,74%; trong đó có 1.293 dịch vụ mức độ 4, chiếm tỷ lệ 70,9% và 70 dịch vụ mức độ 3, chiếm tỷ lệ 3,84%. Đây là giải pháp triển khai thực hiện tiếp nhận giải quyết các TTHC trên môi trường mạng, với phương châm “lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số”, là tiền đề hình thành công dân số, hướng đến Chính phủ số.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, người dân nhận thấy chuyển đổi số là chìa khóa mở cánh cửa cho nông nghiệp hiện đại, vì vậy, nhiều người đã thực hiện số hóa với các cánh đồng, góp phần quan trọng thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Trên địa bàn tỉnh, nhiều người dân đã ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật), thiết bị cảm ứng nhiệt độ để tự động hóa việc bón phân cho cây trồng, giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển ổn định. Đồng thời chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng trong việc cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho sản phẩm nông nghiệp, mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn giao dịch điện tử, hoặc cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.

Với niềm đam mê làm vườn, chị Hà Minh Đợi - tổ 16, phường Nguyễn Thị Minh Khai, thành phố Bắc Kạn đã biến khoảng sân thượng thành nơi trồng dưa mà ai nhìn thấy cũng xuýt xoa ngưỡng mộ. Chị Đợi cho biết, gia đình chị đã ứng dụng công nghệ IoT trên vườn dưa 150 m2 của mình. Hệ thống cảm biến, hộp truyền tín hiệu treo quanh vườn, do vậy đã tiết kiệm được sức lao động trong việc làm vườn. Chị mở điện thoại giơ cho chúng tôi xem, trên màn hình hiện ra các dữ liệu về thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, sinh trưởng của cây… Chị Đợi vui vẻ chia sẻ: “Giờ mình đi bất kỳ đâu cũng chỉ mở điện thoại là xem được vườn dưa, tình trạng dinh dưỡng và sinh trưởng của cây trồng, bớt được chi phí lao động mà vẫn an tâm lắm”.

Hiện nay, nhiều người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã quen dần với việc sử dụng hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt đối với viện phí, điện, nước, mua sắm..., qua đó tạo thuận lợi và sự minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ, năng suất lao động, giảm các thủ tục hành chính, giảm thao tác thủ công, giảm áp lực công việc cho cán bộ các đơn vị.

Tại Kế hoạch thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đối số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn xác định mục tiêu: Đến năm 2025, 70% người dân trong độ tuổi lao động trên địa bàn tỉnh biết đến và có kỹ năng sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến và các dịch vụ số thiết yếu khác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông, du lịch, đất đai, ngân hàng…; cơ bản nắm được cách thức sử dụng dịch vụ khi có nhu cầu.

Để đạt mục tiêu này, hiện các ngành liên quan của tỉnh đang đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm khuyến khích người dân tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số./.

Thu Cúc