PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

28/01/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Người phụ nữ làm giàu từ mô hình phát triển kinh tế tổng hợp
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp nên chị Nguyễn Thị Mai ở tổ 17, phường Sông Cầu, thành phố Bắc Kạn từ lâu đã ấp ủ suy nghĩ về một mô hình kinh tế tổng hợp có quy mô khép kín. Năm 2014, chị Mai cùng gia đình đã quyết định đầu tư phát triển mô hình trên tổng diện tích khoảng 20 ha tại thôn Boóc Khún, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Chị Mai đang chăm sóc cây ăn quả tại vườn nhà

Trên mảnh đất mới, ban đầu, chị cùng gia đình trồng rừng, phát triển thêm diện tích cây cam, quýt mua lại của người dân, kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Tuy nhiên, khi mới tiếp quản nơi đây, gia đình chị Mai đã gặp không ít khó khăn bởi con đường vào là đường mòn nhỏ, không thuận lợi cho việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa nông sản, phân bón để sản xuất. Ngoài ra, nơi đây chưa có điện lưới Quốc gia nên chị phải dùng điện nước. Tuy nhiên, nhờ tìm hiểu nghiên cứu kỹ từ trước đó, cộng với những kinh nghiệm làm nông nghiệp đã lâu năm và hơn hết là ý chí, nghị lực vươn lên nên gia đình chị Mai đã dần khắc phục mọi khó khăn ban đầu.

Cùng với trồng trọt, chị Mai kết hợp phát triển chăn nuôi nên đã mang lại giá trị kinh tế cao

Đưa chúng tôi đi thăm mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình, chị Mai phấn khởi kể về thành quả lao động sau gần 10 năm. Nhờ kết hợp cả trồng trọt và chăn nuôi, đến nay, chị có khoảng 20 con trâu; 60 - 70 con lợn; 10 ha cam, quýt và 10 ha cây keo. Để tận dụng nguồn phế phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chị Mai đã nuôi thêm giun quế để vừa làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, đồng thời tận dụng làm phân bón cho cây trồng.

Nhờ có mô hình kinh tế tổng hợp nên gia đình chị Mai có được nguồn thực phẩm sạch

Chị Mai cho biết thêm, việc sản xuất trước hết phục vụ cho nhu cầu nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, sau đó mở rộng tiêu thụ ra ngoài thị trường. Các sản phẩm nông nghiệp đã cho năng suất, chất lượng ngày càng cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng và luôn có đầu ra ổn định.

Mô hình kinh tế của chị không chỉ mang lại thu nhập tốt cho gia đình mà còn tạo việc làm cho một số lao động địa phương, hiện có 4 người lao động làm thường xuyên với thu nhập mỗi tháng gần 10 triệu đồng/người. Mỗi năm, gia đình chị xuất bán cam quýt thu về khoảng 500 - 600 triệu, trâu bò thu về khoảng 200 - 300 triệu, 300 triệu đồng từ chăn nuôi lợn. Sau khi trừ chi phí, nhân công, mỗi năm gia đình chị thu về khoảng 400 - 500 triệu đồng tiền lãi. 

Những năm gần đây, khi mô hình kinh tế của chị đã đi vào hoạt động ổn định, chị Mai chủ yếu sống cùng gia đình ở thành phố Bắc Kạn với công việc bán quả và quản lý các phòng trọ cho thuê. Mặc dù vậy, chị vẫn tâm huyết với mô hình kinh tế của gia đình, vẫn đến đó để lao động, bởi với chị "làm nông nghiệp đã quen nên mình không cảm thấy mệt, mà ngược lại, lao động làm cho mình cảm thấy vui, khỏe và cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn". 

Những con người như chị Mai không những làm giàu cho gia đình mà còn góp phần thực hiện xóa đói giảm nghèo, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chị xứng đáng là tấm gương cho nhiều phụ nữ học hỏi và làm theo./.

Ngọc Tú