PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/09/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nhân rộng mô hình “Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng”
Mô hình thí điểm “Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” được triển khai thực hiện từ năm 2020 tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông được đánh giá là một mô hình hay, có nhiều hiệu quả thiết thực. Từ kết quả của mô hình này, Công an tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Hội nghị sơ kết đánh giá 2 năm thực hiện Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” tại xã Vi Hương, huyện Bạch Thông (Ảnh sưu tầm)

Thời điểm xây dựng Mô hình, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông có 629 hộ với 2.697 nhân khẩu, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 90% dân số toàn xã. Với đặc thù là xã miền núi vùng cao, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều trong khi công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội ở một số lĩnh vực còn hạn chế, vì vậy, tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Vi Hương diễn biến phức tạp, hiện tượng tàng trữ trái phép chất ma túy trên địa bàn diễn ra khá phổ biến, có chiều hướng gia tăng. Năm 2019, trên địa bàn xã xảy ra 9 vụ, trong đó phạm pháp hình sự có 5 vụ với 6 đối tượng (tàng trữ trái phép chất ma túy 4 vụ với 4 đối tượng, trộm cắp 2 vụ với 1 đối tượng); ngoài ra còn có 3 vụ việc khác.

Cùng với đó, tình trạng tái phạm tội của những trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái vi phạm pháp luật gia tăng. Tại địa bàn xã Vi Hương tính từ năm 2019 đến nay, số lượng người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có 24 người, một số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng trong giai đoạn này tái vi phạm pháp luật bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Nguyên nhân chính khiến cho người trở về địa phương không thể tái hòa nhập cộng đồng là do không có nghề, thiếu vốn, bản thân không chủ động tìm kiếm việc làm hoặc không thích lao động. Họ rất khó có khả năng, điều kiện để tạo lập cuộc sống ổn định.

Nhằm đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, năm 2020, xã Vi Hương đã được xem xét, lựa chọn để xây dựng mô hình điểm “Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng”, qua đó góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của xã, đồng thời làm cơ sở để đánh giá, nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn tỉnh.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Mô hình, xã Vi Hương đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quản lý, giám sát giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng, trong đó, Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban, Trưởng Công an xã làm Phó Trưởng ban Thường trực, đồng thời ban hành quy chế, kế hoạch, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên để triển khai thực hiện. Tại các thôn thành lập các Tổ quản lý, giám sát, giáo dục chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Đến nay, Mô hình đã được thành lập và triển khai nhân rộng tại tất cả 9/9 thôn trên địa bàn xã với tổng số người tham gia là 51 người, trong đó 27 người tham gia công tác quản lý, giám sát, giáo dục 24 trường hợp là người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, hạn chế thấp nhất tình trạng tái phạm tội. Các thành viên của Mô hình cùng với lực lượng Công an xã phát động phong trào 28 buổi, thu hút 982 lượt người tham gia, cung cấp 87 nguồn tin có liên quan đến an ninh trật tự; phối hợp giải quyết 18 vụ việc, trong đó giúp lực lượng Công an xã giải quyết 9 vụ, 12 đối tượng, xử phạt số tiền 10,5 triệu đồng. 

Trong quá trình thực hiện, các thành viên trong Ban Chỉ đạo Mô hình luôn chú trọng làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi, động viên tại gia đình đối với người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; tổ chức tư vấn, trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đặc biệt định hướng nghề và hướng dẫn thực hiện các thủ tục vay vốn để làm kinh tế. Qua đó, giúp người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng có động lực vươn lên, vượt qua mặc cảm, tự ti về quá khứ, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tu dưỡng, rèn luyện, nỗ lực, phấn đấu trong lao động, sản xuất, sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Thông qua công tác tuyên truyền của các thành viên trong Mô hình, mỗi gia đình, cá nhân đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan trong quản lý, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã nâng cao hơn nhận thức, trách nhiệm về công tác tái hòa nhập cộng đồng, từng bước loại bỏ suy nghĩ công tác tái hòa nhập cộng đồng là nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an. Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, từ đó phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai xây dựng mô hình “Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” trên địa bàn xã Vi Hương, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông đã quyết định trao tặng Bằng khen cho 1 tập thể và 1 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Mô hình; đồng thời chỉ đạo tiếp tục nhân rộng mô hình này tại các địa bàn khác trên địa bàn huyện.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng nhân rộng mô hình điển hình tiên tiến nói chung, xây dựng, nhân rộng mô hình “Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” nói riêng, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh đã có Công văn chỉ đạo Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố tiếp tục củng cố, duy trì, nhân rộng, phát huy hiệu quả các mô hình hiện có, đồng thời rà soát, thanh loại các mô hình hoạt động yếu kém, không phát huy tác dụng. Nghiên cứu, vận dụng để xây dựng, nhân rộng mô hình “Quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng” phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, tình hình thực tế của địa phương trên địa bàn các huyện, thành phố. Giao Công an tỉnh xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai nhân rộng Mô  hình.

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 138 của tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị địa phương đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân thấy được vị trí, ý nghĩa, tác dụng của các mô hình điển hình tiên tiến trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; vận động đồng bào các dân tộc, nhất là các trường hợp chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng tự giác chấp hành tốt các quy định của pháp luật và đề cao cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phản động. Chú trọng tuyên truyền, vận động, kêu gọi từng cá nhân, cơ quan, tổ chức nâng cao trách nhiệm, chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, xóa bỏ kỳ thị, định kiến; tuyên truyền rộng rãi về gương người hoàn lương tiến bộ, các mô hình điển hình, cơ quan, tổ chức tiêu biểu tích cực đóng góp trong công tác tái hòa nhập cộng đồng. Gắn kết công tác tái hòa nhập cộng đồng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, các cuộc vận động, các phong trào cách mạng khác của địa phương và xây dựng các mô hình trong Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Lực lượng Công an các cấp với vai trò là đơn vị thường trực cần làm tốt chức năng tham mưu, hướng dẫn để công tác này trở thành một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên được tổ chức thực hiện trong chương trình, kế hoạch công tác của cấp ủy, chính quyền và các ngành, đoàn thể địa phương. Định kỳ một năm, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá, nhận xét rút kinh nghiệm hoạt động các mô hình điển hình tiên tiến, tìm những giải pháp phù hợp với thực tiễn ở từng địa phương, từng đối tượng cụ thể để bảo đảm duy trì, phát triển mô hình. Kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân tham gia mô hình có cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao và lập thành tích trong công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa phương./.

Bích Huệ