PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/03/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nhớ lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”. 72 năm đã trôi qua, với những thanh niên tỉnh Bắc Kạn, những vần thơ ấy vẫn còn nguyên giá trị, giúp các bạn trẻ có thêm động lực vươn lên khẳng định bản thân mình.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Di tích lịch sử quốc gia Nà Tu trở thành một "địa chỉ đỏ" của đoàn viên thanh niên

Theo lời thuyết minh viên của Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bắc Kạn tại Khu di tích lịch sử Nà Tu: “Đây là nơi đóng quân của Đội thanh niên xung phong 312 làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Nà Cù - cây cầu trọng yếu trên tuyến Quốc lộ 3 để đảm bảo giao thông được thông suốt, phục vụ tiền tuyến. Là nơi mà ngày 28/3/1951 diễn ra một sự kiện đặc biệt giữa Bác Hồ và thanh niên xung phong”.

Tháng 6/1950, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới. Để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, cần huy động hàng chục nghìn nhân công trẻ, khỏe để phục vụ kháng chiến. Lực lượng này bao gồm những thanh niên niên tình nguyện, dân công mở đường, bảo vệ cầu, vận chuyển lương thực, đạn dược vì mục tiêu “Tất cả cho chiến dịch toàn thắng”. Lúc đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ thị cho Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) để phục vụ chiến trường.

Ngày 15/7/1950, Đội TNXP được thành lập. Sau chiến dịch Biên giới, biên giới Việt - Trung được khai thông, đường số 3 không những trở thành con đường chiến dịch của ta trên chiến trường Bắc Đông Dương mà còn là con đường giao thông huyết mạch của cả nước. Đây là tuyến đường từ Hà Nội lên Thái Nguyên, qua Bắc Kạn, vượt Đèo Giàng, Đèo Gió lên Cao Bằng, gặp đường 4 (Cao Bằng - Lạng Sơn - Móng Cái), từ Quốc lộ 3 còn có nhiều tuyến đường giao thông nối liền với các tỉnh bạn, thuận tiện cho việc vận chuyển lên biên giới Việt - Trung.

Nhận thấy rõ tầm quan trọng của đường số 3, thực dân Pháp đã tập trung không quân đánh phá ác liệt nhằm cắt đứt tuyến vận tải chiến lược này. Để đảm bảo giao thông cho chiến khu Việt Bắc, các đội TNXP được giao nhiệm vụ bảo vệ dọc tuyến Quốc lộ 3, đảm nhận việc bảo vệ, sửa chữa con đường huyết mạch của cuộc kháng chiến. Ngày 19/3/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp tới vùng biên giới để kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Cao Bằng, thăm các lực lượng TNXP và một số đơn vị vận tải, kho hàng dọc tuyến.

Ngày 28/3/1951, Bác Hồ ghé thăm đơn vị TNXP 312 đóng tại Nà Tu. Sau khi ân cần thăm hỏi, Bác nhắc toàn thể cán bộ, đoàn viên TNXP phải có kế hoạch làm việc, khắc phục khó khăn, đoàn kết và tổ chức tốt công tác thi đua để mau chóng hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, Bác đã dành tặng Liên phân đội TNXP 312 bốn câu thơ: “Không có việc gì khó. Chỉ sợ lòng không bền. Đào núi và lấp biển. Quyết chí ắt làm nên”.

Những vần thơ Bác tặng đã trở thành niềm động viên to lớn với những người thanh niên, giúp họ vượt qua khó khăn, gian khổ hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc và bảo vệ đất nước.

Đoàn viên thanh niên mạnh dạn thành lập hợp tác xã, góp phần tạo việc làm cho thanh niên địa phương
(Ảnh: Chị Đào Thị Thanh, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Ba Bể)

Tự hào là mảnh đất khởi nguồn lời dạy của Người, tuổi trẻ Bắc Kạn đã từng bước khẳng định mình. Là một tỉnh khó khăn, không có nhiều lợi thế nhưng những năm qua, các bạn trẻ vùng cao nơi đây đã dấy lên phong trào khởi nghiệp với phương châm “Không có việc gì khó”. Chỉ trong vài năm qua, hàng trăm hợp tác xã, tổ hợp tác và các mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp kết hợp dịch vụ đã được các bạn trẻ Bắc Kạn đứng ra thành lập và làm chủ. Tiêu biểu có thể kể đến Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Ba Bể do chị Đào Thị Thanh - đoàn viên xã Khang Ninh (Ba Bể) làm chủ đã phát triển thành công mô hình chăn nuôi và chế biến các món ăn từ thịt lợn đen bản địa mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Đào Thị Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Ba Bể chia sẻ, nhận thấy du lịch của huyện Ba Bể những năm trở lại đây ngày càng phát triển, cũng như nắm bắt nhu cầu thực phẩm của người dân và khách du lịch, chị đã kết hợp nuôi lợn với chế biến thịt lợn thành các món ăn đặc trưng; chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; tích cực quảng bá sản phẩm thông qua các ứng dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook…, liên kết với các nhà hàng mở rộng thị trường tiêu thụ.

Năm 2022, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Ba Bể có 2 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh gồm lạp sườn lợn đen gác bếp và thịt lợn đen bản địa Ba Bể - Bắc Kạn. Ngoài ra, Hợp tác xã liên kết với người dân mở rộng vùng nguyên liệu, tạo đầu mối tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

Mô hình trồng chanh tứ mùa của chị Bế Thị Thu Liên, Phó Bí thư Đoàn xã Mỹ Phương (Ba Bể)

Bắc Kạn hiện có hơn 82.000 thanh niên, chiếm 26% dân số và trên 40% tổng số lao động của địa phương. Như lời Bác dạy “Quyết chí ắt làm nên”, cô gái trẻ Bế Thị Thu Liên - Phó Bí thư Đoàn xã Mỹ Phương (Ba Bể) đã biến đồi cây không có giá trị thành khu đồi với những cây chanh tứ mùa sai trĩu cành. Mô hình trồng chanh tứ mùa của chị Liên là mô hình đầu tiên và được đánh giá là mô hình kinh tế hiệu quả ở xã Mỹ Phương. “Kể từ khi chuyển đổi sang trồng cây chanh tứ mùa, hiệu quả kinh tế khá hơn so với trước đây, nhiều thời điểm không đủ để cung cấp cho thị trường. Đây là động lực để tôi và gia đình tiếp tục phát triển cây trồng này” - chị Liên chia sẻ.

Không chỉ giúp các bạn trẻ mạnh dạn, tự tin hơn trong phát triển kinh tế, lời dạy của Bác cũng là động lực để thanh niên vùng cao tự khẳng định được bản thân mình. Đó là hàng chục nghìn lượt đoàn viên tham gia hiến máu tình nguyện, đóng góp hàng vạn ngày công tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện chương trình thắp sáng đường quê, tổ chức các chương trình áo ấm mùa đông cho học sinh hoàn cảnh khó khăn

Đồng chí Triệu Tiến Trình - Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, sắt son lời Bác dạy, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh luôn tâm huyết, trách nhiệm và mong muốn đóng góp cho sự phát triển chung, xung kích, tình nguyện, thay đổi tư tưởng lạc hậu, giúp định hướng cho đoàn viên, thanh niên và xây dựng các công trình, phần việc thanh niên, chung sức xây dựng quê hương Bắc Kạn ngày càng phát triển.

Trong những ngày tháng Ba này, về Nà Tu thăm Di tích và đọc lại bốn câu thơ tặng thanh niên của Bác Hồ càng thấy rõ hơn ý nghĩa lời khuyên ấy. Đó chính là ngọn lửa của ý chí và quyết tâm vượt mọi khó khăn mà Bác đã thắp lên trong lòng bao thế hệ thanh niên nói riêng và người Việt Nam nói chung. Ngọn lửa ấy đã, đang và sẽ cháy mãi, sáng soi mỗi bước đường của thế hệ trẻ./.

Thu Trang