PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

07/06/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Những “chiến sĩ” nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, những người làm nhiệm vụ tuyến đầu chống dịch Covid-19 sẵn sàng đối mặt với mọi gian nan, thử thách và hiểm nguy để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 xâm nhập vào địa bàn tỉnh, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho Nhân dân.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nhân viên ngành Y tế phun khử khuẩn tại Trung đoàn 750 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Ghi nhận tại các chốt kiểm dịch y tế liên ngành, vào khung giờ cao điểm trong ngày (khoảng 6 - 8 giờ sáng, 11 - 12 giờ trưa và 17 - 18 giờ chiều), người dân đi qua rất đông. Mặc dù các lực lượng đã rất cố gắng nhưng công việc đôi khi bị quá tải. Do đặc thù công việc phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, trong đó có người trở về từ vùng dịch, người liên quan đến F0 nên những người làm nhiệm vụ tại đây có nguy cao bị lây nhiễm Covid-19.

Dưới thời tiết nóng bức của mùa hè, những người làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm dịch y tế liên ngành vẫn không quản ngại khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ba lực lượng quân đội, y tế và công an cùng phối hợp hướng dẫn dừng, đỗ xe để đo thân nhiệt cho người đi qua. Qua rà soát, người nghi ngờ mắc Covid-19 sẽ được các ngành chức năng và chuyên môn theo dõi, cách ly để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 từ sớm.  

Anh Hà Hữu Thảo - Thành viên tham gia chốt kiểm dịch tại thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới cho biết, việc thực hiện nhiệm vụ tại chốt được anh em đồng lòng, chính quyền các cấp và Nhân dân địa phương ủng hộ, động viên kịp thời nên công việc cơ bản thuận lợi. Tuy nhiên, tuyến đường này phương tiện đi lại khá đông trong khi lực lượng mỏng, vì vậy rất cần được các ngành chức năng bố trí thêm người để giảm tải cho chốt. Anh Thảo cũng chia sẻ thêm, đối với lực lượng dân quân tại đây do không được hưởng lương nên đời sống còn nhiều khó khăn, vì vậy mong muốn được cấp trên hỗ trợ thêm về mặt kinh phí để được an tâm hơn khi làm nhiệm vụ.

Đối với việc truy vết các F, bác sĩ Hoàng Văn Chuyền, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, hiện nay, Trung tâm có 4 Đội Cơ động, mỗi Đội có 7 người thực hiện điều tra, truy vết đối với những người nghi ngờ mắc Covid-19. Khi nhận nhiệm vụ, các Đội Cơ động khẩn trương lên đường, không kể ngày đêm, điều kiện thời tiết để phối hợp với các huyện khẩn trương truy vết, tìm ra các F một cách nhanh nhất. Trên cơ sở đó, các ngành chức năng triển khai cách ly, khoanh vùng kịp thời, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. 

Tuy nhiên, theo bác sĩ Hoàng Văn Chuyền, khi điều tra, truy vết, các nhân viên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Có những trường hợp F1 đã tiếp xúc với rất nhiều người mà không nhớ hết nơi họ đã đi, có người không trung thực trong khai báo, đối tượng truy vết ở xa; trang phục bảo hộ phòng chống dịch của nhân viên còn thiếu nên nguy cơ lây nhiễm cao… Vì vậy, rất cần có sự phối hợp của chính quyền các địa phương trong điều tra, truy vết các F cũng như trang bị thêm trang phục bảo hộ phòng chống dịch cho người làm nhiệm vụ để dự phòng bị lây nhiễm Covid-19.

Trong công tác xét nghiệm, hiện nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật là đơn vị duy nhất của tỉnh đã thực hiện được xét nghiệm khẳng định vi rút SARS-COV-2. Do khối lượng công việc nhiều, trong khi nhân lực xét nghiệm lại ít nên các nhân viên phải chạy đua với thời gian để có được kết quả xét nghiệm nhanh chóng. Trung bình mỗi ngày, Trung tâm xét nghiệm được khoảng 100 mẫu, ngày nhiều nhất được hơn 200 mẫu.

Kỹ thuật viên xét nghiệm Hoàng Ngọc Truyền, Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh - Thăm dò chức năng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ, vào kỳ nghỉ lễ 30/4 - 01/5 vừa qua, anh cùng các đồng nghiệp đến lấy mẫu những người có liên quan đến 2 trường hợp F1 tại thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn). Do hôm đó trời mưa to nên cả đoàn vừa di chuyển đến nhà dân lại vừa phải thay trang phục bảo hộ rất nhiều lần, giao thông đi lại khó khăn nên nhiều khi phải đi bộ đến từng hộ dân để lấy mẫu. Đối với công việc xét nghiệm, có khi phải làm xuyên đêm để cho kết quả xét nghiệm nhanh và chính xác...

Về việc đảm bảo an toàn cho khu cách ly, ghi nhận tại Trung đoàn 750 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho thấy, dưới trời nắng nóng, mang trên mình bộ đồ bảo hộ kín, các nhân viên y tế tại đây vẫn miệt mài làm việc, người kiểm tra sức khỏe, người giúp công dân hoàn thành các thủ tục để vào cách ly, hoàn thành cách ly; người phun khử khuẩn môi trường xung quanh khu vực cách ly… Mỗi người đều cố gắng đóng góp một phần sức lực của mình để đảm bảo khu cách ly được an toàn cao nhất.

Đến nay, Trung đoàn 750 đã cách ly y tế tập trung nhiều đợt công dân Việt Nam công tác, học tập và lao động từ nước ngoài trở về để ngăn chặn dịch Covid-19. Trung đoàn xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, vì vậy quán triệt sâu sắc đến tất cả chiến sĩ cần thực hiện nghiêm tinh thần “chống dịch như chống giặc” theo chỉ đạo của Chính phủ. Trung đoàn thường xuyên tuyên truyền phòng chống Covid-19, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, qua đó giải đáp cho công dân hiểu. Để bảo đảm an ninh, an toàn trong khu vực cách ly, Trung đoàn tổ chức tuần tra, canh gác 24/24 giờ, trung bình mỗi người đứng gác khoảng 8 - 10 giờ mỗi ngày. Với các chiến sĩ phục vụ hậu cần, ăn uống cho công dân phải dậy từ rất sớm, khoảng 2h sáng để làm nhiệm vụ nên lực lượng này cũng rất vất vả. Trong quá trình đảm bảo an toàn cho khu cách ly, đơn vị cũng luôn chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an và y tế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, tỉnh Bắc Kạn đã cử 12 bác sĩ, điều dưỡng thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tới Bắc Giang hỗ trợ địa phương này chống dịch.

Mang trên mình trọng trách lớn lao, các thầy thuốc xác định rõ tinh thần giúp bạn chính là giúp mình, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở về sẽ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chống dịch cho các đồng nghiệp tại tỉnh nhà, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công. Bác sĩ Đinh Ngọc Đức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh vô cùng xúc động khi thấy sức mạnh của con người Việt Nam, hàng chục ngàn cán bộ y tế đang ngày đêm căng mình để chống dịch. Vì vậy, bác sĩ Đức bày tỏ mong muốn được cống hiến sức trẻ của mình, cùng các đồng nghiệp xung phong vào vùng dịch tại Bắc Giang và giờ đây anh thấy mình thật may mắn, hạnh phúc khi có cơ hội thực hiện mong ước đó.

Các ngành chức năng trao quà ủng hộ, động viên đối với 12 bác sĩ, điều dưỡng đi chi viện cho Bắc Giang 

Dù khó khăn, dù gian khổ, thậm chí có thể là sự hi sinh nhưng lực lượng tuyến đầu vẫn không hề nao núng tinh thần, luôn giữ vững quyết tâm chiến đấu và niềm tin chiến thắng đại dịch Covid-19. Đó như những tấm “lá chắn” vô cùng quan trọng để ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh Covid-19 vào địa bàn tỉnh./.

Theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ thì lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch gồm người làm việc trong các cơ sở y tế; thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; người làm việc ở các khu cách ly; làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ; tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng; tình nguyện viên; phóng viên; quân đội; công an… Trong điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn, làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng những người tuyến đầu chống dịch vẫn luôn sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Ngọc Tú