PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

13/07/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Những cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi
Sau những năm tháng cống hiến tuổi xuân cho đất nước, trở về đời thường, những cựu thanh niên xung phong (TNXP) trên địa bàn tỉnh vẫn tích cực tham gia phát triển kinh tế, từng bước giảm nghèo, đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Như bao thanh niên yêu nước khác, bà Đàm Thị Bạch, sinh năm 1957, tham gia TNXP từ năm 1973, đơn vị TNXP N311-C2-P12, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bà Bạch đã công tác ở một số đơn vị tại 2 tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn, đến năm 1989 nghỉ hưu tại Khu 2, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn.

Nhận thấy sức khỏe vẫn còn, nên sau khi nghỉ hưu, bà Bạch đã bắt tay vào việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm đầu, bà nuôi ít, rồi phát triển dần thêm, mỗi lứa khoảng chục con lợn và 5 - 6 con bò. Để giảm bớt chi phí đầu tư cho chăn nuôi, bà kết hợp nấu rượu, tận dụng bỗng rượu làm thức ăn cho lợn và tự nuôi lợn nái sinh sản nên không phải mua con giống. Mỗi năm, gia đình bà xuất bán khoảng 5 - 6 tấn lợn hơi. Ngoài ra, nuôi thêm 2 lứa gà, vịt, mỗi lứa khoảng 100 con và xuất bán từ 300 - 400 kg mỗi năm. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm gia đình bà thu về khoảng từ 90 - 100 triệu đồng tiền lãi. Nhờ vậy, kinh tế gia đình ổn định hơn và đã tạo việc làm cho 2 lao động địa phương. Không chỉ vậy, gia đình bà còn trồng thêm hơn 3 ha rừng...

Ông Nguyễn Minh Cương - Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông
bên vườn cây ăn quả của gia đình

Cũng giống như bà Bạch, ông Nguyễn Minh Cương năm nay 84 tuổi đã tham gia TNXP từ năm 1964, làm nhiệm vụ sửa chữa và làm mới đường giao thông tại tỉnh Lào Cai. Năm 1968, ông được phân công về làm công tác giao thông vận tải tại tỉnh Bắc Thái (cũ). Khi tổ chức Hội Cựu TNXP được thành lập, ông đã tình nguyện xin tham gia và được hội viên tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Quang Thuận.

Trong quá trình hoạt động tại địa phương, ông vừa tham gia các hoạt động xây dựng tổ chức Hội vừa phát triển kinh tế gia đình. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông hiện có 2 ha cây cam, quýt; hơn 1 ha các loại cây ăn quả như chanh tứ mùa, ổi, táo; đồng thời kết hợp chăn nuôi lợn, gà và nuôi cá. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả gia đình ông đã mang lại những kết quả đáng mừng, những năm gần đây, mỗi năm, gia đình ông Cương thu về được khoảng hơn 100 triệu đồng từ việc trồng trọt và chăn nuôi. Đến nay, cho dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày, ông Cương vẫn tham gia phụ giúp gia đình chăm sóc vườn cây ăn quả và chăn nuôi.

Với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Quang Thuận, bản thân ông luôn gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động phong trào của địa phương, đặc biệt ông đã tích cực tham gia chương trình xây dựng xã Quang Thuận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Những năm qua, Hội Cựu TNXP xã Quang Thuận luôn duy trì hoạt động hiệu quả, tổ chức Hội đã nỗ lực thực hiện tốt việc chăm lo đời sống tinh thần cho hội viên, tuyên truyền, vận động hội viên nêu gương sáng, sống khỏe, sống có ích.  

Còn ở xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn, cựu TNXP Hoàng Văn Cát là một tấm gương tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Ông Cát tham gia TNXP năm 1967 tại Đại đội 929, thuộc Đội N92 Bắc Thái. Đến năm 1969, ông trở lại địa phương và tham gia công tác tại phòng Lương thực Chợ Đồn, làm nhân viên bán hàng và kế toán. Từ năm 1983, về địa phương công tác, ông đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau và đến năm 1995, ông nghỉ hưu. 

Về với đời thường, ông vẫn tích cực tham gia hoạt động xã hội, quyết tâm phát triển kinh tế, trồng lúa, ngô và các loại cây hoa màu kết hợp với chăn nuôi để cải thiện đời sống và tăng thu nhập. Tận dụng quỹ đất vườn của gia đình, ông trồng nhiều loại cây ăn quả như hồng không hạt, bưởi diễn, nhãn, vải, xoài, na và đến nay có khoảng 0,6 ha thanh long ruột đỏ đã cho thu hoạch.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phủ xanh đất trống đồi trọc, gia đình ông phát triển trồng rừng, đến nay đã trồng được khoảng 8 ha. Năm 2001, địa phương có điện lưới quốc gia, ông chủ động mua máy để xay, sát thóc, ngô phục vụ bà con, đồng thời kết hợp phát triển chăn nuôi. Năm 2009, tuyến đường bộ ở địa phương được nâng cấp nên có nhiều phương tiện đi lại, diện mạo nông thôn cũng có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu xăng dầu cung cấp cho nhu cầu người dân địa phương khi đó rất khó khăn, ông bàn bạc với gia đình mạnh dạn xây dựng ki ốt xăng dầu của gia đình, đến nay ki ốt xăng dầu đã hoạt động được 13 năm.

Nhờ tranh thủ thời cơ thuận lợi, khắc phục mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, đến nay, gia đình ông Hoàng Văn Cát đã có nguồn thu nhập ổn định, mỗi năm thu về khoảng 150 triệu đồng tiền lãi, các con đều đã được học đại học và có công ăn việc làm ổn định. Phát huy vai trò “tuổi cao gương sáng”, bản thân ông luôn tích cực tham gia các phong trào và đóng góp cho địa phương, hiến 250 m2 đất làm đường nông thôn.

Ngoài những tấm gương kể trên, trên địa bàn tỉnh ta còn nhiều cựu TNXP làm kinh tế giỏi, họ làm giàu trên nhiều lĩnh vực như: Chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng, kinh doanh… Tuy mỗi người có cách làm kinh tế khác nhau nhưng đều có chung ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng. Đó thực sự là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo./.

Ngọc Tú