PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

20/09/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Những kết quả bước đầu trong xây dựng nền tảng xã hội số
Triển khai thực hiện Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, các ngành, địa phương trong tỉnh đã tận dụng tối đa cơ hội, không ngừng nỗ lực trong xây dựng xã hội số trên địa bàn.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Với mục tiêu đến năm 2025, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang bao phủ 100% xã, phường, thị trấn và trên 80% hộ gia đình; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G; 95% người dân sử dụng điện thoại thông minh... hiện tỉnh đang nỗ lực phủ lõm sóng thông tin di động và cáp quang băng rộng trên địa bàn. Các địa phương đều tạo điều kiện giải phóng mặt bằng để xây dựng trạm BTS. Tính đến cuối tháng 8/2022, toàn tỉnh có 6.233 km cáp quang, 672 trạm BTS, 7 cột ăng ten sử dụng chung cơ sở hạ tầng, 1 trạm điều khiển thông tin di động BTS.

Hiện 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G; quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính.

Việc sử dụng điện thoại di động thông minh cũng ngày càng phổ biến trong dân. Đến cuối tháng 8/2022, toàn tỉnh có 279.568 thuê bao di động thì có tới 192.579 thuê bao di động là thiết bị thông minh. Số thuê bao internet đạt 224.065 thuê bao, mật độ thuê bao internet đạt 62 thuê bao/100 dân.

Thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển phần mềm, nền tảng, cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành, tỉnh Bắc Kạn đang tiếp tục duy trì sử dụng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ từ năm 2019 và triển khai kết nối, đưa vào khai thác 3/13 dịch vụ chia sẻ dữ liệu qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Đối với các dịch vụ còn lại vẫn đang trong quá trình từng bước hoàn thiện việc kết nối theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành chủ quản các hệ thống thông tin, CSDL.

Cùng với đó, các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số cũng đang được triển khai như: Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) và Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Bắc Kạn; Hệ thống quản lý, giám sát quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị tỉnh; Trung tâm Lưu trữ điện tử của tỉnh; hệ thống Bệnh án điện tử; hệ thống Thư viện số của tỉnh; hệ thống “Quản lý giáo dục nghề nghiệp - Đào tạo nghề”; phần mềm nội bộ tích hợp chấm điểm và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn; hệ thống camera an ninh và Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) huyện Chợ Đồn; xây dựng hệ thống mạng diện rộng (WAN) của tỉnh…

Thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội số, đến ngày 11/8/2022, tỉnh Bắc Kạn đã thu nhận 268.749/270.962 hồ sơ CCCD, đạt 99,18%; thu nhận 21.615 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân; tiếp nhận 244.368 thẻ CCCD từ C06 - Bộ Công an; đã tiến hành trả 242.636 thẻ CCCD cho công dân để sử dụng.

Việc chăm sóc sức khỏe người dân trên nền tảng số cũng được ngành Y tế và các địa phương triển khai mạnh. Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chuẩn hóa làm sạch dữ liệu hồ sơ sức khỏe cá nhân, đảm bảo mỗi người dân có duy nhất 1 hồ sơ sức khỏe. Đến nay, đã có 284.000 người dân có hồ sơ sức khỏe, đạt 83% dân số toàn tỉnh. Hệ thống quản lý tiêm chủng cũng ngày càng được hoàn thiện, trong đó có hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19. Số lượng mũi tiêm được cập nhật kịp thời trên hệ thống quản lý tiêm chủng Covid-19...

Nhập dữ liệu tiêm chủng Covid-19 tại điểm tiêm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn

Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã triển khai các hình thức dạy học trực tuyến phù hợp, hiệu quả, nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động khai thác và kết hợp hài hòa các nền tảng, công nghệ dạy học trực tuyến khác nhau, sử dụng linh hoạt các bài giảng điện tử sẵn có từ các hệ thống và kho dữ liệu của ngành. Trong thời gian học sinh học trực tiếp, nhiều cơ sở giáo dục vẫn duy trì kết hợp hài hòa việc dạy học trực tuyến ở một số bộ môn, tiết dạy, tiết ôn tập một cách phù hợp; ứng dụng các phần mềm kiểm tra trực tuyến linh hoạt để hỗ trợ kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đặc biệt hỗ trợ trong việc ôn tập, đánh giá kết quả dạy học, phụ đạo học sinh yếu kém.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với mục tiêu lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và là động lực tạo đột phá của sự phát triển, việc thực hiện xã hội số tiếp tục được các ngành, địa phương triển khai toàn diện, kiên quyết, kiên trì, tạo sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực từ mỗi người dân./.

Thu Cúc