PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/11/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Những kết quả đạt được trong thực hiện Quy chế phối hợp công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khu vực giáp ranh ba tỉnh: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên năm 2020
Thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH/SNN-LS-TN-BK ngày 21/10/2019 giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ba tỉnh Bắc Kạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã góp phần quan trọng trong việc giữ ổn định và tăng hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng từng tỉnh tại khu vực giáp ranh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bắc Kạn, Thái Nguyên và Lạng Sơn là các tỉnh miền núi, vùng cao thuộc vùng Đông Bắc Bắc Bộ với diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp rất lớn, độ che phủ rừng cao, các khu vực giáp ranh ba tỉnh chủ yếu tập trung là rừng tự nhiên với đồi núi cao, có địa hình phức tạp, chia cắt mạnh, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn sống phụ thuộc vào rừng… Do đó, công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn của mỗi tỉnh tại khu vực giáp ranh luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt tại các khu rừng đặc dụng và các khu rừng còn nhiều lâm sản quý hiếm.

Nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khu vực giáp ranh trên địa bàn các tỉnh, ngày 21/10/2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ba tỉnh Bắc Kạn - Lạng Sơn - Thái Nguyên đã ký kết Quy chế phối hợp số 01/QCPH/SNN-LS-TN-BK (Quy chế phối hợp). Theo đó, công tác phối hợp thực hiện quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các ngành chức năng của ba tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện, góp phần đáng kể trong việc ổn định tình hình quản lý, bảo vệ rừng khu vực giáp ranh.


Toàn cảnh Hội nghị tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp năm 2019
(Ảnh tư liệu)

Thực hiện Quy chế phối hợp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ba tỉnh đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Chi cục Kiểm lâm tổ chức triển khai thực hiện. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh đã phát huy tốt vai trò tham mưu giúp UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của cấp trên về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Các hoạt động phối hợp được chỉ đạo thực hiện nhất quán, đồng bộ các giải pháp tại Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tập trung triển khai và thực hiện Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Chủ động ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tham mưu cho UBND các huyện vùng giáp ranh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Quy chế và được cụ thể hóa thông qua bằng nhiều hình hoạt động như trao đổi thông tin, phối hợp tuyên truyền, tổ chức kiểm tra, truy quét các tụ điểm thường xảy ra khai thác, mua bán, cất giữ lâm sản trái phép…

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh luôn quan tâm, chỉ đạo với nhiều hình thức như tổ chức tuyên truyền thông qua hội nghị, họp thôn/bản; tuyên truyền trực quan thông qua các bảng biển, băng rôn; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, cam kết không sử dụng gỗ không có nguồn gốc hợp pháp, cam kết không vi phạm các quy định về nuôi nhốt động vật hoang dã.... Đối với tỉnh Bắc Kạn, trên địa bàn các xã giáp ranh thuộc các huyện Chợ Đồn, Chợ Mới và Na Rì đã tổ chức tuyên truyền được 110 cuộc với 4.205 lượt người tham gia; nội dung tuyên truyền tập trung vào quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên, chống chặt phá, khai thác rừng trái pháp luật, vận động người dân không xâm canh, xâm cư đất lâm nghiệp.

Việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm là nội dung quan trọng, quyết định sự thành công, hiệu quả của công tác phối hợp trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2020, các Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ba tỉnh đã có trên 50 lần trao đổi, thông tin với nhau và trao đổi thông tin với các Hạt Kiểm lâm tại khu vực giáp ranh để chủ động phối hợp những vấn đề nghiệp vụ trong xử lý vi phạm hành chính, chủ động trong ngăn chặn, xử lý hoạt động chế biến, vận chuyển lâm sản qua địa bàn các tỉnh. Tại các huyện giáp ranh, công tác trao đổi thông tin được thực hiện thường xuyên từ lãnh đạo Hạt, các bộ phận chuyên môn, Trạm Kiểm lâm, Kiểm lâm địa bàn, cụ thể như: Hạt Kiểm lâm Chợ Mới (Bắc Kạn) trao đổi với Kiểm lâm Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) 20 cuộc; Hạt Kiểm lâm huyện Na Rì (Bắc Kạn) trao đổi với Hạt Kiểm lâm huyện Tràng Định, Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) 29 cuộc; Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) và Kiểm lâm huyện Định Hóa (Thái Nguyên) có 02 lần trao đổi trực tiếp, 14 lần trao đổi, thông tin qua điện thoại.

Trong tổ chức truy quét, kiểm tra, tuần rừng, lực lượng Kiểm lâm các địa phương cũng đã tổ chức phối hợp có hiệu quả. Riêng tỉnh Bắc Kạn, Hạt Kiểm lâm huyện Na Rì phối hợp tuần tra, kiểm tra rừng với Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia, huyện Trành Định tỉnh Lạng Sơn được 09 lượt. Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới phối hợp tuần tra chung địa bàn giáp ranh giữa xã Yên Cư (huyện Chợ Mới) với xã Sảng Mộc (huyện Võ Nhai) tỉnh Thái Nguyên được 10 lượt; tuần tra chung với Hạt Kiểm lâm ATK huyện Định Hóa được 08 lượt. Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn đã phối hợp tuần tra rừng khu vực giáp ranh tỉnh Thái Nguyên 06 cuộc với 48 lượt người tham gia. Qua kiểm tra, cơ bản tình hình quản lý bảo vệ rừng ổn định.

Công tác phối hợp xử lý vi phạm, nhất là trong xác minh, điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp xảy ra tại khu vực giáp ranh được các lực lượng, đơn vị UBND cấp xã giáp ranh phối hợp xử lý nghiêm minh, hiệu quả. Cụ thể như: Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn xác minh nguồn gốc lâm sản vụ việc ông Lương Văn Đức trú tại xóm Đoàn Kết, xã Trung Hội, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên vận chuyển. Kết quả Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR số 1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn xử phạt 40,75 triệu đồng về hành vi mua, vận chuyển lâm sản trái pháp luật và vi phạm quy định về quản lý hồ sơ trong vận chuyển lâm sản; tịch thu 4,665 m3 gỗ nhóm IV, V, VI. Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn phối hợp với Kiểm lâm tại xã Lam Vỹ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên phát hiện và xử lý 01 vụ phá rừng trái pháp luật tại khu vực giáp ranh xã Thanh Mai và xã Lam Vỹ, xử phạt vi phạm hành chính là 20 triệu đồng…

Công tác phối hợp trong PCCCR vùng giáp ranh được UBND các cấp từ tỉnh, huyện, xã và các cơ quan, đơn vị liên quan luôn quan tâm, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc. Trong năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức diễn tập sử dụng thiết bị, dụng cụ và vận hành cơ chế phối hợp chữa cháy rừng năm 2020 cho lực lượng Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn, tổ chức tại huyện Chợ Mới là huyện giáp ranh với diện tích rừng trồng keo thuần loài lớn, có nguy cơ cháy cao. Quá trình tổ chức diễn tập đã phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thái Nguyên để được hỗ trợ máy bơm nước cao áp kết hợp với xe tắc tơ chở nước theo đường lâm nghiệp, qua đó cho thấy đây là giải pháp hiệu quả, phù hợp để tổ chức chữa cháy rừng tại các tỉnh nhiều đồi, núi như Bắc Kạn, Lạng Sơn và Thái Nguyên.

Thực hiện Quy chế phối hợp, trong năm 2020, Hạt Kiểm lâm các huyện, các xã giáp ranh giữa ba tỉnh đã tham mưu cho chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân không xâm canh sang các xã khác để canh tác; phối hợp giải quyết các vụ việc xâm canh, xâm cư, xâm lấn đất rừng như vụ tranh chấp đất đai của 05 hộ dân xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên với 01 hộ dân xã Như Cố, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn; vụ xâm canh đất rừng khu vực giáp ranh giữa xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và xã Linh Thông, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Trong công tác phát triển rừng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lực lượng Kiểm lâm các tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về công tác sử dụng và phát triển rừng như: Cơ cấu loài cây trồng rừng, các loại giống cây trồng rừng mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái; tình hình quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản trên địa bàn… qua đó tham mưu, định hướng để liên kết các vùng nguyên liệu gỗ, khu chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ gỗ rừng trồng.

Với những kết quả đạt được trong năm 2020, việc thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên đã góp phần nâng cao trách nhiệm của các đơn vị giáp ranh trong thực hiện nhiệm vụ chung là quản lý, bảo vệ rừng. Cách thức, phương pháp triển khai các quy định mới của Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được thực hiện thống nhất, hiệu quả hơn. Các khu vực rừng giáp ranh giữa ba tỉnh không xảy ra điểm nóng, không xảy ra cháy rừng, tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp được ngăn chặn đáng kể; tình trạng phá rừng, khai thác trái phép rừng tự nhiên, rừng núi đá, nhất là các loại gỗ quý hiếm đã được hạn chế; việc mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật có chiều hướng giảm; nhiều vụ vi phạm đã được lực lượng Kiểm lâm khu vực giáp ranh ba tỉnh phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời./.

Hương Dịu