PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

10/06/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Những “nông dân” thành phố Bắc Kạn thời 4.0
Bắt nhịp với tiến bộ khoa học công nghệ, trên địa bàn thành phố Bắc Kạn ngày càng có nhiều “nông dân” thời công nghệ 4.0 đang chuyển mình, thay đổi tư duy, cách làm để tiệm cận gần hơn với nền nông nghiệp thông minh, từng bước tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Làm chơi, ăn thật

Với niềm đam mê làm vườn, chị Hà Minh Đợi - phường Nguyễn Thị Minh Khai đầu tư hơn 200 triệu để biến khoảng sân thượng 250 m2 của gia đình thành một “vườn treo babilon” mini đủ loại cây trái, hoa màu quanh năm xanh tốt…, khiến ai đến thăm cũng trầm trồ, thích thú.

Từ cuối năm 2021, gia đình chị xây ngôi nhà ba tầng. Ngay từ khi bắt đầu thi công, chị đã có ý tưởng làm vườn trên sân thượng để trồng rau sạch. “Nhà gần chợ, rau trái nhiều, lại rẻ, nhưng tôi muốn phải sạch, ngon cho cả gia đình”, chị chủ vườn sân thượng nói.

Để tiện chăm sóc, chủ động phòng chống sâu bệnh và ứng phó với thời tiết thất thường, chị Đợi làm nhà màng, đầu tư khung, hàn kệ tránh thấm trần, hỏng sàn. Đồng thời lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt để đảm bảo lượng nước phù hợp. Chị tự tay làm những loại phân bón hữu cơ để bổ sung chất cho cây như: Phân cá, chuối, dung dịch trứng sữa...

Trong khu vườn nhỏ, chưa đầy 6 tháng, chị Đợi trồng nhiều loại hoa, quả phục vụ gia đình, tặng và bán cho người quen như: Dâu tây, ớt, cà tím, mướp nhật, bí thơm, rau mầm... Dịp Tết vừa qua, chị Đợi đã thu hoạch hàng chục cân dâu tây, hơn 100 chậu hoa cúc, thược dược.

Hiện trong vườn của chị Đợi có gần 400 gốc dưa lứa vỏ vàng ruột cam saket 70 đã ra quả. “Nhìn những “chú lợn con” ngay ngắn, vàng tươi lúc lỉu, chờ khoảng 2 tuần nữa là được thu hoạch mà thích quá. Sau 3 tháng chăm sóc, trung bình mỗi quả dưa nặng khoảng 2,5 kg. Với giá thị trường hiện nay 150.000 đồng/kg, với 400 gốc dưa hiện có, gia đình chị thu về được trên 120 triệu đồng. Tính là làm chơi mà có khi ăn thật em ạ” - Chị chủ vườn vui vẻ chia sẻ.

Vườn dưa lưới của chị Hà Minh Đợi - tổ 16, phường Nguyễn Thị Minh Khai

Cũng giống chị Đợi, anh Vi Văn Quân, sống tại phường Đức Xuân cũng đam mê làm vườn nhưng do công việc bận rộn, ít thời gian nên anh đã lựa chọn mô hình trồng rau thủy canh (còn gọi là mô hình Aquaponics).

Anh Quân Cho biết, trong mỗi bể trồng rau đều được đặt thiết bị có thể theo dõi thời gian thực về nhiệt độ không khí, oxy hòa tan trong nước, giá trị pH và các dữ liệu khác, đồng thời gửi tất cả các loại dữ liệu tới nền tảng đám mây. Khi có sự cố xảy ra với một chỉ số nào đó, báo động tự động sẽ được bật và anh có thể thực hiện các biện pháp ngay khi nhận được thông tin. Trên điện thoại di động của anh đã cài đặt ứng dụng nên anh có thể theo dõi hoạt động của “căn cứ” mọi lúc, mọi nơi.

Hiện nay, vườn nhà anh Quân trồng được 300 m2 dưa chuột, cà chua, rau muống… “Ban đầu chỉ trồng theo sở thích và phục vụ nhu cầu gia đình. Rau phát triển tốt, ăn không hết, nhà mình đem chia hàng xóm, bạn bè. Thấy rau tươi ngon, an toàn, ngày càng nhiều người đặt mua. Hiện rau sản xuất ra không đủ nhu cầu” - anh Quân chia sẻ.

Công nghệ 4.0 thúc đẩy phát triển

Khởi nghiệp cũng từ ruộng vườn, nhưng cách làm của anh Nông Văn Nhã, xã Dương Quang không manh mún như nhiều hộ làm nông nghiệp quanh vùng. Với sự nhanh nhạy của bản thân và sự trợ giúp đắc lực của công nghệ số, anh đã gây dựng thành công mô hình trồng dưa lưới Nhật Bản với quy trình sản xuất công nghệ cao, có diện tích 1.000 m2.

Mô hình thiết kế theo hệ thống nhà màng, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật tiên tiến, như: Sử dụng hệ thống bón phân, tưới nước tự động, gieo trồng trên giá thể, kiểm soát dinh dưỡng, độ ẩm… Các công đoạn chăm sóc, theo dõi được anh Nhã quản lý, thực hiện qua phần mềm tự động. Sản phẩm nông nghiệp an toàn nên dễ tiếp cận thị trường, giá cả ổn định, người tiêu dùng tin tưởng. Nhờ vậy mà 2 năm qua, sản phẩm dưa lưới của gia đình lúc vụ nào cũng không đủ cung cấp cho thị trường.

Làm nông nghiệp công nghệ cao không hẳn phải chỉ mỗi khâu sản xuất mà là sự kết hợp công nghệ vào tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ. Chị Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Thành, xã Nông Thượng cho biết, khi bắt tay vào làm các sản phẩm về nghệ, HTX đã mạnh dạn đầu tư máy sấy công nghiệp loại lớn và các máy móc thiết bị khác theo hướng an toàn, khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo ra những sản phẩm nghệ có chất lượng, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý. Cùng với đó, HTX đã chủ động tìm đầu ra cho sản phẩm bằng các kênh mua bán trực tuyến. Đến nay, ngoài bán hàng trên các trang mạng xã hội zalo, facebook, HTX đã gây dựng được gian hàng uy tín trên các sàn thương mại điện tử uy tín trong nước như: Shopee, Agricheck, Smartgap, Voso… và trở thành những kênh tiêu thụ chính của HTX. Trung bình mỗi năm, doanh thu của HTX đạt trên 5 tỷ đồng, duy trì ổn định thu nhập cho các thành viên trên 5 triệu đồng/người/tháng.

Những ví dụ kể trên là những điển hình của “nông dân” thời đại 4.0 đã và đang bắt nhịp kịp thời với tiến bộ khoa học công nghệ. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự tham gia từ phía các đơn vị, doanh nghiệp để hình thành các vùng sản xuất tập trung, khu nông nghiệp công nghệ cao, những người nông dân thành phố Bắc Kạn cũng đang dần thay đổi cách thức, tư duy sản xuất nông nghiệp, hướng đến mục tiêu sản xuất bền vững hơn./.

Thu Cúc