PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/02/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Nông thôn đổi mới
Tập trung triển khai thực hiện Chương trình từ những ngày đầu, đến nay, công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả nhất định, bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Với sự quyết tâm vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở bằng nhiều việc làm thiết thực, giải pháp sáng tạo, cộng với sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp, nhờ vậy, đến nay, toàn tỉnh có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân đạt 12,25 tiêu chí/xã. Tỉnh cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Bắc Kạn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Dù mức độ đạt được so với nhiều địa phương khác trong cả nước còn khá khiêm tốn, nhưng nhìn tổng thể bức tranh nông thôn sau 10 năm đổi mới đã có khởi sắc, từ không gian đến cảnh quan, điều kiện đời sống vật chất tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Điều này khẳng định tính đúng đắn trong triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới trên địa bàn.

Sức bật cơ sở hạ tầng

Xác định đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn sẽ tạo đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế, đời sống cho người dân nông thôn, nhất là đối với những vùng còn nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, vì vậy, từ khi triển khai Chương trình năm 2011, tranh thủ nhiều nguồn vốn, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh luôn ưu tiên triển khai xây dựng thêm nhiều công trình nông thôn, tạo cho hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Bắc Kạn đã huy động vốn ngân sách Nhà nước được 1.097.306 triệu đồng, huy động Nhân dân và tổ chức, doanh nghiệp đóng góp được 218.207 triệu đồng, ngoài ra còn lồng ghép các nguồn vốn khác để thực hiện Chương trình nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt với hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, đi lại cho người dân.

Người dân xã Quân Hà (Bạch Thông) góp sức xây dựng đường nông thôn mới

Tiêu chí về giao thông là một trong những tiêu chí khó thực hiện, nhất là đối với địa phương khó khăn như Bắc Kạn. Song, từ nhiều nguồn lực, tỉnh đã đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa hệ thống cầu, đường giao thông, góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông trên toàn tỉnh với 1.660 km đường xã, thôn bản. Giai đoạn 2016-2020, Bắc Kạn đã thi công được trên 700 công trình đường giao thông nông thôn, bảo đảm hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới cho 36 xã trên địa bàn tỉnh. Mạng lưới giao thông nông thôn ngày càng phát triển, mở rộng theo hướng bê tông hóa, nhựa hóa, cứng hóa… đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của Nhân dân, làm cho diện mạo làng quê ngày càng khởi sắc.

Cùng với giao thông, do là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nên việc đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm thực hiện. Các công trình đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất. Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo phục vụ nước tưới cho hơn 20.000 ha đất nông nghiệp và nuôi thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh đã có 94/110 xã đạt tiêu chí thủy lợi trong xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh hai lĩnh vực trên, hiện nay, toàn tỉnh có 100% số xã được phủ lưới điện từ nguồn lưới điện quốc gia. Các thiết chế văn hóa cơ sở ngày càng được hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt của người dân, tạo được môi trường sinh hoạt văn hóa trên địa bàn, tạo được hiệu quả xã hội tích cực. Ngoài ra, từ nguồn vốn của Nhà nước và xã hội hóa, hạ tầng giáo dục ngày càng cải thiện; mạng lưới y tế được đầu tư đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân; hệ thống thông tin liên lạc, bưu chính, viễn thông đã mở rộng đến xã, phường, thị trấn; công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội…

Kinh tế nông thôn phát triển

Song song với sự phát triển cơ sở hạ tầng, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung phát triển kinh tế để nâng cao đời sống Nhân dân. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai hiệu quả. Đến nay, Bắc Kạn đã có 131 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Sản xuất các sản phẩm OCOP ở Bắc Kạn hiện đã vượt qua kỳ vọng ban đầu của tỉnh khi đã có sản phẩm xuất khẩu sang Châu Âu và Nhật Bản như miến dong, mơ, gừng. Dù số lượng xuất khẩu chưa nhiều nhưng đây là bước đột phá khi nhiều năm trước, Bắc Kạn chưa có sản phẩm nào vươn ra thị trường lớn.

Là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, những năm qua, lĩnh vực này tiếp tục có nhiều bước tiến gắn với việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhằm thực hiện tốt vấn đề cốt lõi trong xây dựng nông thôn mới là không ngừng nâng cao nguồn thu nhập cho người dân, các địa phương trong tỉnh luôn tập trung chỉ đạo, thực hiện việc chuyển đổi, áp dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, gắn sản xuất với tiêu thụ và xây dựng nhãn hiệu nông sản để gia tăng giá trị, hình thành và phát triển nhãn hiệu hàng hóa. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã có các sản phẩm được cấp chứng nhận Nhãn hiệu tập thể như: Gạo Bao thai Chợ Đồn, Miến dong Bắc Kạn, gạo nếp Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Chè Shan tuyết xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) và chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm Quýt Bắc Kạn, Hồng không hạt.

Cùng với đó, kinh tế khu vực nông thôn đã và đang phát triển với nhiều ngành nghề đa dạng như lĩnh lực thương mại, dịch vụ, du lịch nông thôn… Tất cả đã tạo ra nguồn lực đóng góp chung vào việc thực hiện Chương trình nông thôn mới.

Từ việc triển khai có hiệu quả nhiều giải pháp, mức thu nhập của người dân nông thôn ngày càng tăng đáng kể. Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt trên 40 triệu đồng/năm. Trong năm qua, tình hình thiên tai và dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Thu nhập của nhiều người dân bị ảnh hưởng dẫn đến tỷ lệ giảm nghèo chưa đạt kế hoạch đề ra. Theo số liệu sơ bộ, năm 2020, toàn tỉnh có trên 2.400 hộ thoát nghèo nhưng lại có hơn 1.600 hộ nghèo phát sinh mới. Tuy vậy, tỷ lệ giảm nghèo của giai đoạn 2016-2020 là 2,18% vẫn đạt kế hoạch.

Xây dựng nông thôn mới đã và đang góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh. Hạ tầng nông thôn ngày càng được đầu tư cơ bản đồng bộ và hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Mặc dù vậy, tiến độ triển khai Chương trình nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn chậm, một số tiêu chí chưa đạt như kế hoạch. Nhu cầu xây dựng nông thôn mới của các xã trong tỉnh là rất lớn, đặc biệt là xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, khả năng huy động nguồn lực còn hạn chế, ngân sách của tỉnh hạn hẹp, chủ yếu nhờ nguồn từ Trung ương nên ảnh hưởng phần nào đến tiến độ... Song kết quả đạt được trong thời gian qua vẫn là cơ sở vững chắc để Bắc Kạn tiếp tục vươn xa hơn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới./.

Hướng tới mục tiêu cao hơn trong giai đoạn tiếp theo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả tỉnh có ít nhất 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 174 thôn đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân mỗi xã đạt trên 13 tiêu chí.
Hương Lan