PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

30/09/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
OPEC tiếp tục nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ
Ngày 28/9, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới trong bối cảnh các nền kinh tế đang phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng từ nay đến năm 2045. (Ảnh: Reuters)

Báo cáo hàng tháng về Triển vọng Dầu mỏ Thế giới của OPEC cho biết, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng trở lại về mức trước đại dịch trong năm 2022 và tiếp tục tăng thêm 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023.

Trình bày báo cáo hàng tháng về Triển vọng Dầu mỏ Thế giới tại trụ sở OPEC tại Vienna, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết, nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng từ nay đến năm 2045 và đây vẫn sẽ là nguồn năng lượng chủ đạo, cung cấp 28% nhu cầu năng lượng toàn cầu vào năm 2045.

Báo cáo cũng cho biết, các nước đang phát triển sẽ đẩy lượng nhu cầu tăng trong khi nhu cầu dầu mỏ ở các nước giàu hơn sẽ giảm từ năm 2023. Ông Mohammad Barkindo cho biết: "Nhu cầu về năng lượng và dầu mỏ đã tăng đáng kể trong năm 2021 sau khi giảm mạnh trong năm 2020, và dự báo dài hạn là sẽ tiếp tục phát triển".

Ông Barkindo cũng cảnh báo, nếu những khoản đầu tư cần thiết không được đáp ứng, có thể sẽ xảy ra tình trạng thiếu năng lượng trong tương lai, điều này sẽ để lại “những vết sẹo” lâu dài cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Theo báo cáo, nhu cầu dầu toàn cầu đang dần phục hồi sau khi giảm mạnh 9,3 triệu thùng/ngày do đại dịch COVID-19 “đè bẹp” hoạt động kinh doanh toàn cầu. Báo cáo cũng cho biết, nhu cầu sẽ tăng từ mức 90,6 triệu thùng/ngày vào năm 2020 lên mức 108,2 triệu thùng/ngày vào năm 2045, tức là tăng 17,6 triệu thùng/ngày.

Trước đó, trong báo cáo đưa ra ngày 13/9 vừa qua, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu trong năm 2021 ở mức 6 triệu thùng/ngày sau khi cắt giảm dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong quý IV/2021 do ảnh hưởng của biến thể Delta và cho rằng một phần của sự phục hồi nhu cầu dầu sẽ bị hoãn lại sang năm 2022. Báo cáo hàng tháng của OPEC nói rằng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có thể bình quân ở mức 99,7 triệu thùng/ngày trong quý IV năm 2021. 

OPEC đưa ra dự báo này trong bối cảnh các thành viên thuộc OPEC và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, bắt đầu tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu đang phục hồi.

OPEC+ đã thực hiện các biện pháp mang tính lịch sử vào tháng 4/2020 khi cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày trong một nỗ lực hỗ trợ giá dầu khi nhu cầu đối với các sản phẩm dầu mỏ giảm mạnh do tác động của đại dịch COVID-19. Kể từ đó, OPEC+ đã từ từ đưa sản lượng trở lại thị trường, đồng thời nhóm họp mỗi tháng để thảo luận về chính sách sản lượng trong thời gian tiếp theo.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 14/9 cũng dự báo, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể sẽ tăng trở lại trong tháng tới sau những tác động gần đây của biến thể Delta buộc chính phủ các nước tiêu thụ nhiều dầu mỏ trên thế giới phải thực hiện các biện pháp hạn chế hoạt động. Trước đó, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đã giảm 3 tháng liên tiếp trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 gia tăng tại một số quốc gia đã buộc chính phủ các nước phải áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm kiếm soát dịch bệnh.

Tuy các số liệu được công bố trong báo cáo hàng tháng của IEA cho thấy, nhu cầu dầu toàn cầu trong quý III/2021 giảm trung bình khoảng 310.000 thùng/ngày, IEA vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu mỏ trong những tháng cuối năm nhờ những tiến bộ trong sản xuất và tiêm chủng vaccine cũng như các biện pháp hạn chế dần dần được gỡ bỏ tại nhiều quốc gia. Theo IEA, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng lên 1,6 triệu thùng/ngày vào tháng 10 và tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2021. 

IEA nâng ước tính nhu cầu dầu toàn cầu năm 2022 thêm 100.000 thùng/ngày, lên 99,4 triệu thùng/ngày. Cơ quan này dự báo nhu cầu toàn cầu có thể tăng thêm khoảng 5,2 triệu thùng/ngày trong năm nay, song năm 2022 chỉ tăng nhẹ thêm 3,2 triệu thùng/ngày. Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, lượng tiêu thụ dầu thô toàn cầu khoảng 100 triệu thùng/ngày. 

Từ nay đến hết năm 2021, IEA dự kiến mức tiêu thụ dầu toàn cầu đạt 99,1 triệu thùng/ngày, cao hơn khoảng 4,7 triệu thùng/ngày so với cuối năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn 1,1 triệu thùng/ngày so với cuối năm 2019.

Nhìn chung, IEA nhận thấy nhu cầu dầu toàn cầu có thể quay trở lại mức trước đại dịch vào năm 2022, mặc dù đại dịch COVID-19 đã khiến ngành hàng không, vốn là một trong những lĩnh vực tiêu thụ nhiều dầu mỏ nhất phải cắt giảm mức tiêu thụ 1,3 triệu thùng/ngày so với năm 2019./.

Theo dangcongsan.vn