PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

26/10/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Pác Nặm bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa
Là địa bàn cư trú của nhiều dân tộc thiểu số, với phong tục, tập quán đan xen tạo nên những giá trị văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc, huyện Pác Nặm có nhiều di sản văn hóa đang được bảo tồn, phát huy giá trị.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Đa dạng di sản văn hóa

Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện Pác Nặm có 31 câu lạc bộ (CLB) văn hóa, văn nghệ đang duy trì hoạt động tại 8 xã và một số trường học, trong đó có 11 CLB Văn hóa, thể thao - Làng văn hóa; 8 đội văn nghệ tuyên truyền cổ động; 11 CLB Then, đàn Tính; 1 câu lạc bộ Khèn Mông với khoảng 350 nghệ nhân tham gia.

Theo Quyết định số 1748/QĐ-UBND ngày 21/9/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2021, huyện Pác Nặm có Di tích lịch sử Búp Nhùng ở xã Cao Tân (nơi tổ chức lớp huấn luyện tự vệ đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1943) đã được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2016.

Nghệ nhân Hoàng Thị Mỵ thể hiện trích đoạn Hát ru của người Tày xã Giáo Hiệu tại Lễ đón nhận
Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật trình diễn dân gian Hát ru của người Tày
xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm” 

Huyện Pác Nặm hiện có 1 Nghệ nhân Ưu tú về chữ Nôm Tày là Nghệ nhân Hoàng Văn Phúc; 1 di sản phi vật thể được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 14 của UNESCO đó là di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam; 3 di sản văn hoá phi vật thể được công nhận là di sản văn hoá cấp quốc gia đó là Lượn Cọi của người Tày, nghệ thuật trình diễn dân gian Hát ru của người Tày xã Giáo Hiệu và Múa khèn Mông tại xã Cao Tân, Cổ Linh; 49 di sản văn hoá phi vật thể được kiểm kê và nhận diện đưa vào danh mục cần được bảo tồn. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có các di sản như: Các làn điệu sli, phong slư, các bài thuốc gia truyền, điệu múa truyền thống, trang phục truyền thống, nghề đan lát thủ công truyền thống… của các dân tộc cũng được quan tâm gìn giữ; 13 lễ hội tại các xã, trong đó có Hội xuân tại trung tâm huyện và Lễ hội Mù Là là 2 lễ hội truyền thống cấp huyện.

Hiện nay, một số xã trên địa bàn huyện còn lưu giữ được nghề dệt vải truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Sán chỉ, Mông, Dao. Toàn huyện còn khoảng 1.151 nhà truyền thống của người Tày, Sán Chỉ và của người Nùng.

Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa

Nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp Nhân dân, huyện Pác Nặm đã phổ biến, quán triệt văn bản chỉ đạo của trung ương, của tỉnh và địa phương về bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa với nhiều hình thức như thông qua hội nghị giao ban, hội nghị tập huấn, sinh hoạt các hội đoàn thể, họp thôn.... Việc giữ gìn bảo vệ di tích lịch sử, di sản văn hoá đã được Nhân dân đồng tình ủng hộ và tự nguyện đưa vào nội dung hương ước, quy ước của thôn bản để cộng đồng cùng thực hiện.

Cùng với đó, huyện Pác Nặm đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Đáng chú ý là tháng 6/2021, huyện đã ban hành Kế hoạch số 134/KH-UBND về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Pác Nặm giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 37/KH-UBND về xây dựng, cải tạo, bảo vệ cảnh quan môi trường hướng tới phát triển du lịch huyện Pác Nặm giai đoạn 2021 - 2030.

Thực hiện các kế hoạch đề ra, thời gian qua, huyện Pác Nặm đã khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn; hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP; tổ chức các lớp truyền dạy hát then, lượn; thành lập các CLB hát then, lượn cọi, hát ru của người Tày, múa khèn của người Mông. 

Hằng năm, huyện Pác Nặm đều duy trì các lễ hội đầu xuân trên địa bàn. Trong đó, Hội xuân truyền thống tại trung tâm huyện, Lễ hội Mù Là tại xã Cổ Linh với nhiều hoạt động, nội dung đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút được đông đảo bà con địa phương cùng khách thập phương đến tham gia. Năm 2023, huyện Pác Nặm đã chỉ đạo UBND xã Bộc Bố tổ chức thêm Hội xuân tại thôn Khâu Đấng nhằm bảo tồn, quảng bá văn hóa của dân tộc Sán Chỉ như lễ cầu mùa, điệu múa mặt nạ Ka Đong, làng văn hóa cộng đồng Khâu Đấng với những nếp nhà sàn truyền thống, những trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, đẩy gậy, đánh quay...

Từ năm 2016 đến nay, huyện Pác Nặm đã tham gia 2 liên hoan nghệ thuật quần chúng do tỉnh tổ chức; tổ chức thành công 2 cuộc liên hoan nghệ thuật quần chúng với các tiết mục văn nghệ đặc sắc; qua đó tôn vinh giá trị, bảo tồn di sản, quảng bá nét đẹp văn hóa của các đồng bào dân tộc huyện Pác Nặm.

Cuộc thi trình diễn trang phục dân tộc truyền thống huyện Pác Nặm

Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập huyện (19/8/2003 - 19/8/2023), huyện Pác Nặm đã tổ chức thành công Hội diễn nghệ thuật quần chúng huyện Pác Nặm lần thứ V và thi trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Du khách và người dân huyện Pác Nặm đều vui mừng và tự hào khi những tiết mục văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc, những bộ trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc được trình diễn trên sân khấu; tự hào khi thấy những giá trị văn hóa của dân tộc đang được gìn giữ và phát triển, không lo sợ mai một trong tương lai.

Di tích lịch sử Búp Nhùng - xã Cao Tân được các cấp, các ngành của tỉnh, huyện quan tâm bảo vệ, tôn tạo. Tuy nhiên, thời gian gần đây có hiện tượng người dân xã Hồng Thái, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang tự ý trồng cây (cây chè) vào khuôn viên quy hoạch của Di tích. UBND xã Cao Tân đã phối hợp với UBND xã Hồng Thái (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang) mời hộ gia đình kiểm tra tại hiện trường, lập biên bản, tuyên truyền vận động người dân không được trồng cây vào khu di tích đã được khoanh vùng xếp hạng.

Trong thời gian tới, huyện Pác Nặm xác định tiếp tục duy trì lễ hội truyền thống, phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa của địa phương; xuất bản, tái bản sách, tờ gấp giới thiệu quảng bá du lịch; xây dựng, hình thành kết nối tour, tuyến du lịch, giới thiệu quảng bá, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch và tranh thủ sự đồng hành của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để xây dựng du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích, di sản văn hóa ở địa phương./.

Hương Dịu