PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/04/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Pác Nặm: Chương trình 135 góp phần cải thiện đồng bào dân tộc thiểu số
Những năm qua các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình 135 đã góp phần từng bước hoàn thiện các công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục…, thúc đẩy kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Pác Nặm.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Những năm qua các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình 135 đã góp phần từng bước hoàn thiện các công trình giao thông, thủy lợi, giáo dục…, thúc đẩy kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Pác Nặm.

Từ nguồn vốn Chương trình 135, nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Pác Nặm được đầu tư, qua đó góp phần phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân

Từ nguồn vốn Chương trình 135, Pác Nặm đã thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và duy tu bảo dưỡng 167 công trình tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn, trong đó tập chung chủ yếu vào các công trình: Giao thông, thủy lợi và giáo dục… Đồng thời triển khai hỗ trợ các mô hình dự án phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo theo nhóm, tổ hợp tác. Đến hết năm 2019 có 1.852 hộ gia đình tham gia các mô hình, trong đó 1.291 hộ nghèo, 570 hộ cận nghèo và 27 hộ mới thoát nghèo. Ngoài ra, để nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở, UBND huyện cũng đã phối hợp với Ban dân tộc tỉnh thực hiện tập huấn, đào tạo nghề; chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất; nâng cao năng lực cho cán bộ xã, thôn của 10/10 xã trên địa bàn huyện về chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, về giảm nghèo bền vững.

Trong 4 năm triển khai, Chương trình 135 đã huy động được tổng hợp các nguồn lực thực hiện, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, trên địa bàn huyện, tỷ lệ hộ nghèo các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm từ 1,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với đầu giai đoạn; 100% xã, thôn bản đặc biệt khó khăn được tiếp cận giống cây trồng, vật nuôi mới; các hộ nghèo, cận nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức khuyến nông, khuyến lâm, kinh nghiệm sản xuất. Các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất đã tác động không nhỏ đến quá trình thay đổi nhận thức, hành vi theo hướng tích cực trong phát triển kinh tế hộ gia đình...

Các công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phục vụ phát triển sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân các thôn, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện. Công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư cũng được quan tâm hơn, có sự phân công, phân cấp cụ thể cho từng cấp, từng ngành, qua đó phát huy hiệu quả sử dụng công trình đảm bảo lâu dài.

Ngoài Chương trình 135, thời gian qua, huyện Pác Nặm cũng chủ động lồng ghép nhiều nguồn vốn khác nhau từ các chương trình 30a, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… để triển khai thực hiện hỗ trợ cho người dân. Qua đó tạo cơ hội cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách khó khăn của địa phương, việc huy động lồng ghép các nguồn vốn cho đầu tư phát triển mặc dù có hiệu quả tích cực nhưng trên từng mặt cụ thể chưa vững chắc, vẫn còn hạn chế. Trình độ sản xuất nông nghiệp của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện nhìn chung vẫn còn thấp; chất lượng và sức cạnh tranh các sản phẩm, đặc biệt là hàng hóa nông sản còn yếu; hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ, một số nơi phát huy chưa tốt. Bên cạnh đó, tình hình biến đổi khí hậu diễn biến bất lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của cả huyện và nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Để giúp người dân trên địa bàn thoát nghèo bền vững, thời gian tới, cùng với thực hiện hiệu quả Chương trình 135, huyện Pác Nặm tiếp tục triển khai các chính sách giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững; nâng cao năng lực giảm nghèo và truyền thông; tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá các chính sách giảm nghèo tác động đến đối tượng thụ hưởng; tạo việc làm ổn định và đa dạng hoạt động thu nhập cho lao động nghèo; tăng thu nhập bình quân đầu người của các hộ nghèo; bảo đảm các điều kiện thiết yếu về nhà ở, nước sinh hoạt, tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề, đời sống văn hóa, tinh thần, tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho các hộ nghèo, nhất là đối với các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn…/.

Thu Cúc