PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/06/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Pác Nặm: Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao
Những năm qua, cùng với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, hoạt động văn hóa, thể thao hướng về cơ sở tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Pác Nặm quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Các thiếu nữ dân tộc tham gia ném Pao tại Hội xuân Khuổi Ỏ, xã Nhạn Môn, huyện Pác Nặm

Bám sát định hướng chính trị, các sự kiện kỷ niệm, các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, thời gian qua, huyện Pác Nặm chỉ đạo Phòng Văn hóa và các địa phương chủ trì, phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức nhiều sự kiện, tạo không khí sôi nổi, vui tươi, đáp ứng được nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật và yêu cầu của công tác tuyên truyền. Hằng năm, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện phối hợp cùng các xã, cơ quan, đơn vị trường học trên địa bàn xây dựng kế hoạch hoạt động văn hóa, thể thao cụ thể, phù hợp; thường xuyên tổ chức các giải thể thao, giao lưu văn nghệ, hội diễn; duy trì hoạt động của các câu lạc bộ thể dục thể thao, các đội văn nghệ quần chúng; tích cực tham gia các hội thi, hội diễn, các giải thi đấu thể thao do tỉnh tổ chức; chú trọng lưu giữ các môn thể thao dân tộc địa phương như: Kéo co, bắn nỏ, đẩy gậy, tung còn... Qua đó đã thu hút đông đảo người dân với đủ thành phần, nhóm tuổi trên địa bàn tham gia.

Đồng thời, huyện cũng đặc biệt chú trọng đến việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống các dân tộc, xây dựng các thiết chế văn hóa, duy trì tổ chức lễ hội truyền thống, các làn điệu hát lượn, hát then; múa khèn.... Nhờ đó, từ năm 2016 đến nay, huyện đã thành lập được 10 câu lạc bộ văn nghệ nòng cốt tại các xã, các thôn; 08 câu lạc bộ hát then đàn tính, 01 câu lạc bộ múa khèn Mông. Đặc biệt, năm 2019, Lượn cọi của người Tày trên địa bàn huyện đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện Pác Nặm cũng đã tiến hành khảo sát, lập hồ sơ di sản hát Páo dung của dân tộc Dao và đề xuất nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ di sản nghệ thuật múa khèn Mông để đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra, hằng năm, huyện đều duy trì tổ chức Hội Mù Là; nhiều xã, thôn cũng chủ động tổ chức Hội xuân tại địa phương… 

Đối với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được huyện triển khai thực hiện đồng bộ và được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo nhân dân. Nhất là trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các tiêu chí văn hóa luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đó, nhiều danh hiệu, tiêu chí văn hóa được nâng lên. Đến cuối năm 2019, có hơn 80% hộ gia đình trên địa bàn huyện được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa; hơn 84% khu dân cư được công nhận đạt danh hiệu văn hóa; 97,6% cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhìn chung, trên địa bàn huyện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở nông thôn và công tác quản lý thiết chế văn hóa hiện vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Do kinh phí có hạn và nguồn nhân lực thiếu nên các hoạt động văn hóa - thể thao trên địa bàn huyện chỉ mang tính thời vụ, chưa tạo động lực để nhân dân tập luyện thành thói quen sinh hoạt hàng ngày; cơ sở vật chất, sân bãi, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động văn hóa thể thao chưa đầy đủ; quy hoạch quỹ đất dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao còn khó khăn; cơ chế chính sách thu hút các nguồn lực thực hiện xã hội hoá văn hoá chưa thực sự được quan tâm…

Để nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở, huyện Pác Nặm xác định: Thời gian tiếp theo tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nhất là Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, Phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Làng văn hóa, gia đình văn hóa”; hoàn thiện đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao cấp cơ sở theo quy hoạch, đảm bảo tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn như: Liên hoan, hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, thi đấu, thi diễn các môn thể thao ở nông thôn..., tạo điều kiện để người dân địa phương tham gia các hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật dân gian truyền thống; đẩy mạnh thực hiện các mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa - thể thao nhằm phát triển phong trào ở cơ sở, tạo điều kiện nhân dân tham gia luyện tập, rèn luyện sức khỏe nâng cao thể chất; xây dựng cơ chế lồng ghép, phối hợp giữa phong trào xây dựng đời sống văn hóa với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tạo điều kiện để khôi phục lễ hội, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn; làm tốt công tác quản lý nhà nước và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với các hoạt động văn hóa, thể thao, đảm bảo phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; sàng lọc các quy định trong hương ước, quy ước, quy tắc của làng xã để loại bỏ những hủ tục, phong tục không còn phù hợp; tiếp tục phát huy các lễ hội truyền thống của quê hương…/.

Thu Cúc