Độ tương phản
Ngược dòng lịch sử trở về thời điểm cách đây 20 năm khi mới được khai sinh và có tên trên bản đồ hành chính, Pác Nặm là huyện thuần nông. Người dân chủ yếu sản xuất một vụ, chủ yếu “tự cung, tự cấp”, nhỏ lẻ, năng suất đạt thấp. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tăng năng suất, sản lượng và giá trị chưa được triển khai. Chăn nuôi chủ yếu là chăn nuôi hộ gia đình với hình thức thả rông, tổng đàn gia súc năm 2003 có trên 15.800 con; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng chưa được quan tâm, tỷ lệ che phủ rừng chỉ đạt 35%; tình trạng phát phá rừng tự do làm nương rẫy còn phổ biến, năm 2023, toàn huyện mới trồng được 137 ha rừng trồng… Chính vì vậy, tình trạng thiếu đói giáp hạt trong Nhân dân rất lớn, đặc biệt là đồng bào dân tộc ở các thôn vùng cao thiếu đất sản xuất, nơi ở không ổn định, tình trạng di cư tự do còn diễn ra thường xuyên.
Xác định rõ ngành nông, lâm nghiệp, chăn nuôi giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, từ năm 2004, huyện Pác Nặm đã vận dụng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đề ra nhiều giải pháp phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Huyện đã tập trung đầu tư các công trình thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương; tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao giá trị sản xuất; tập trung quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, chuyển đổi trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn và trồng rừng đa mục đích…
Từ sản xuất chủ yếu một vụ, người dân đã tập trung khai thác triệt để diện tích sản xuất 2, 3 vụ nhằm tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao sản lượng lương thực có hạt; tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất. Nếu như năm 2004, diện tích sản xuất toàn huyện đạt 3.500 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt trên 9.980 tấn thì đến năm 2022, diện tích đất sản xuất các cây trồng hằng năm của huyện Pác Nặm đạt trên 5.200 ha, trong đó cây lương thực có hạt đạt 4.526 ha, tăng 1,28 lần so với năm 2004. Các cây trồng hằng năm mang lại giá trị kinh tế cao đã và đang được phát triển trên địa bàn huyện với diện tích thực hiện 700 ha. Diện tích sản suất vụ 3 được đẩy mạnh, đến năm 2022, toàn huyện thực hiện được trên 100 ha, năm 2023 phấn đấu thực hiện đạt 130 ha. Trên địa bàn huyện đã từng bước hình thành các vùng trồng rau, cây ăn quả tại các xã có điều kiện phù hợp.
Cùng với phát triển trồng trọt, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương phát triển đàn vật nuôi. Hiện nay, đàn gia súc của huyện đạt 17.000 con, đàn dê đạt trên 2.600 con, đàn lợn trên 51.000 con và đàn gia cầm trên 230.000 con. Việc phát triển chăn nuôi đã được người dân chú trọng, quan tâm, mở rộng diện tích trồng cỏ, chăn nuôi theo trang trại, gia trại quy mô nhỏ; toàn huyện hiện có 15 hộ chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, 75 hộ chăn nuôi nông hộ…
Khai thác tiềm năng phát triển lâm nghiệp, huyện Pác Nặm quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Hằng năm, công tác trồng rừng đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch, tỷ lệ che phủ rừng hiện nay đạt 58%, tăng 23% so với giai đoạn 2003 - 2004. Đến năm 2023, diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ trên địa bàn huyện đạt 4.976 ha, tăng 1.076 ha so với năm 2004; tổng diện tích trồng rừng đạt trên 6.000 ha, tăng trên 5.800 ha so với năm 2004… Nhờ đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện những năm qua luôn tăng trưởng khá và ổn định.
Với sự quyết tâm vượt khó vươn lên, sau 20 năm thành lập, huyện Pác Nặm đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Trong đó, bức tranh nông nghiệp của huyện đã có nhiều gam màu tươi sáng với kết quả sản xuất nông - lâm nghiệp phát triển, tăng cả quy mô, năng suất và hiệu quả. Giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp của huyện năm 2022 đạt trên 468 tỷ đồng, tăng 4 lần so với năm 2003. An ninh lương thực được đảm bảo với bình quân lương thực đầu người tăng 1,4 lần; từng bước hình thành sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ sản xuất “tự cung tự cấp”, đến nay, sản xuất nông nghiệp của huyện đã bước đầu sản xuất theo hướng hàng hóa; huyện đã có 5 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Hiện nay, huyện Pác Nặm đang tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật trong phát triển sản xuất, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản xuất, phát triển những cây trồng, vật nuôi có thế mạnh. Qua đó, từng bước khai thác những tiềm năng, lợi thế, tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của người dân./.
Các cấp Hội Nông dân huyện Ngân Sơn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới (30/09/2023)
Trung tâm Y tế huyện Chợ Mới nỗ lực chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân (30/09/2023)
Phụ nữ huyện Chợ Đồn tích cực đóng góp cho xã hội (26/09/2023)
Dự án đường kết nối vào Phiêng My, thành phố Bắc Kạn phấn đấu về đích trước kế hoạch (25/09/2023)
Măng nứa tép Mai Lạp - sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh (21/09/2023)