PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

29/10/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Bắc Kạn phấn đấu GRDP khu vực công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 13%/năm
Cùng với phát triển du lịch, trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 13%/năm; khu vực công nghiệp chiếm 8 - 10% cơ cấu kinh tế của tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Tỉnh Bắc Kạn tập trung phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến gỗ và các sản phẩm nông sản

Những mục tiêu cụ thể

Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đã đề ra mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025, tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 9,6 - 9,8%/năm; đến năm 2025, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 18,5% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Một trong bốn chương trình trọng tâm giai đoạn 2020 - 2025 được Đại hội xác định đó là: “Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch và công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể. Hoàn thiện khu công nghiệp, phát triển các cụm công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp chế biến nông, lâm sản và một số ngành có lợi thế của địa phương. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư để phát triển nông, lâm nghiệp và du lịch”.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 16). Trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể: GRDP khu vực công nghiệp tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 13%/năm; khu vực công nghiệp chiếm 8 - 10% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh; thu ngân sách từ khu vực công nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 tăng bình quân 10%/năm; hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tối thiểu 4 cụm công nghiệp từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa; đảm bảo các cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đạt tỷ lệ lấp đầy trên 60%.

Định hướng đến năm 2030, tỉnh phát triển công nghiệp một cách bền vững, góp phần công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GRDP của tỉnh đạt trên 15%.

Giải pháp phù hợp với điều kiện địa phương

Nhằm thực hiện hóa mục tiêu phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Bắc Kạn đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ hàng đầu là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể đối với phát triển sản xuất công nghiệp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công nghiệp.

Trong những năm tới, tỉnh xác định sẽ thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực công nghiệp trọng điểm. Theo đó, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản gắn với tiềm năng, lợi thế địa phương như công nghiệp chế biến lâm sản, chế biến dong riềng, gừng, nghệ, dược liệu, chế biến sản phẩm từ rau, hoa quả…. Cùng với đó, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng gắn với công tác bảo vệ môi trường, đồng thời thu hút phát triển công nghiệp hỗ trợ, chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất và phân phối điện.

Lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành khảo sát Khu Công nghiệp Thanh Bình, huyện Chợ Mới (Ảnh tư liệu)

Tạo mặt bằng sạch thu hút đầu tư, tỉnh sẽ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp đồng bộ, đáp ứng phát triển công nghiệp. Xử lý dứt điểm các dự án còn vướng mắc trên địa bàn tỉnh, nhất là tại Khu Công nghiệp Thanh Bình giai đoạn I để có quỹ đất thu hút các nhà đầu tư mới có năng lực. Tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư Khu Công nghiệp Thanh Bình - giai đoạn II và các cụm công nghiệp nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành theo cam kết...

Thu hút đầu tư, tỉnh sẽ tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, chủ động nắm bắt, tận dụng tối đa xu hướng dịch chuyển ngành, nghề gắn với dịch chuyển nguồn lực để tập trung thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư bên ngoài. Chú trọng thu hút nguồn vốn đầu tư FDI kết hợp với ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ và mô hình quản trị hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng với cả nước. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc tiến độ đầu tư, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; nâng cao chất lượng lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định các dự án đầu tư đảm bảo thực hiện hiệu quả.

Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp - làng nghề, tỉnh quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với nông, lâm sản địa phương, tiến tới xây dựng và hình thành các làng nghề, sản phẩm truyền thống. Hỗ trợ xây dựng làng nghề tại các địa phương hiện đang có sản phẩm được thị trường chấp nhận, mở rộng phát triển sản xuất các sản phẩm, hàng hóa gắn với du lịch, dịch vụ.

Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, quan tâm liên kết vùng; phát triển nguồn nhân lực chất lượng và lao động có kỹ năng đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp.

Với sự vào cuộc của các sở, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, tin tưởng rằng, ngành công nghiệp sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh./.

Hương Dịu