PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/07/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát triển kinh tế rừng bền vững trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Với tiềm năng, lợi thế về lâm nghiệp, tỉnh Bắc Kạn xác định phát triển kinh tế rừng bền vững trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sinh kế và giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn sống phụ thuộc vào rừng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Người dân xã Bằng Thành chăm sóc rừng trồng

Lợi thế về lâm nghiệp

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 417.538 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên có 272.789 ha, diện tích rừng trồng 100.291 ha. Với độ che phủ rừng đến năm 2021 đạt 73,4%, tỉnh Bắc Kạn là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước và là tỉnh có tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế lâm nghiệp. Chính vì vậy những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn xác định phát triển kinh tế rừng bền vững là ngành kinh tế mũi nhọn.

Công tác phát triển rừng trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng. Tỉnh quan tâm chỉ đạo trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh đã trồng mới được 33.925 ha; năm 2021, toàn tỉnh trồng được 5.156 ha, nghiệm thu 5.134 ha, đạt 144% KH. Chất lượng rừng ngày càng được nâng lên, đến nay, toàn tỉnh đã có 921 ha rừng được cấp chứng chỉ rừng FSC.

Công tác quản lý khai thác lâm sản thường xuyên được các cơ quan chuyên môn thực hiện nghiêm túc. Khối lượng khai thác gỗ rừng trồng ngày càng tăng. Với giá trị trung bình khoảng 120 triệu đồng/ha, thu nhập của người trồng rừng đang được nâng cao. 

Ngoài sản phẩm gỗ, với hơn 273.329 ha rừng tự nhiên, việc sử dụng lâm sản ngoài gỗ đã gắn liền với đời sống của các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn miền núi. Lâm sản ngoài gỗ trở thành nguyên liệu cung cấp cho sản xuất hàng hóa nội địa cũng như xuất khẩu rất đa dạng, bao gồm thực phẩm, dược phẩm, tinh dầu, hàng thủ công mỹ nghệ… Hiện nay, diện tích trồng cây dược liệu dưới tán rừng ngày càng được nhân rộng, là nguồn thu nhập quan trọng của các tổ chức, hộ gia đình.

Nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp

Nhà máy sản xuất đũa gỗ tại xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông
sản xuất đũa gỗ xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc

Cuối năm 2020, UBND tỉnh quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035 (Đề án). Trong đó, Đề án xác định phát triển trồng rừng và chế biến gỗ từ rừng trồng là sản phẩm chủ lực của địa phương tham gia vào ngành hàng chủ lực của quốc gia theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng cao; trồng lại rừng tập trung sau khai thác, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, thâm canh rừng được xác định là mục tiêu chính trong giai đoạn 2020 - 2025 để tạo ra nguồn nguyên liệu đảm bảo về số lượng và chất lượng, cung cấp nguyên liệu chế biến làm hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu là đột phá.  

Căn cứ vào điều kiện địa hình, khí hậu và thực tế sản xuất của người dân, các địa phương tiến hành rà soát, phân vùng trồng các loại cây, đánh giá tiềm năng, nhu cầu của các chủ sở hữu rừng để chuyển đổi theo hướng tập trung nhằm tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng đủ nhu cầu cho công tác chế biến với quy mô lớn. Chủ động nghiên cứu, tuyển chọn đưa vào trồng các loài cây lâm nghiệp có giá trị cao, chú trọng các loài cây lâm nghiệp bản địa có giá trị trên thị trường, nghiên cứu đổi mới phương thức trồng, chu kỳ kinh doanh theo hướng kinh doanh cây gỗ lớn, tiến tới cấp chứng chỉ rừng bền vững cho đa số diện tích rừng trồng.

Để phát triển lâm nghiệp bền vững, tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường giao thông và đường lâm nghiệp, đẩy mạnh cơ giới hóa trong việc trồng, chăm sóc, khai thác, vận chuyển lâm sản. Giai đoạn 2012 - 2015, toàn tỉnh đã đầu tư trên 13 tỷ đồng để xây dựng 9 tuyến đường lâm nghiệp tại huyện Ba Bể, Chợ Đồn, Bạch Thông. Cuối năm 2021, UBND tỉnh đã quyết định phê duyệt Dự án đường lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2021 - 2025 với quy mô 183 tuyến đường lâm nghiệp dài 445 km nhằm tăng khả năng cơ giới hóa giúp giảm chi phí, tăng giá trị kinh tế rừng, tạo mối liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp, tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ, đồng thời giúp công tác tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng khi có sự cố xảy ra, góp phần phát triển rừng bền vững.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách bảo vệ và phát triển rừng, các quy định Luật Lâm nghiệp và các chính sách hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp theo Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là một trong các giải pháp phát triển lâm nghiệp trong thời gian tới. Cùng với đó, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, quản lý, khai thác và phát triển tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp. Tập trung nghiên cứu phát triển trồng các loại cây dược liệu dưới tán rừng, qua đó tận dụng được đất đai, nâng cao giá trị của rừng…/.

Hương Dịu