PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

19/07/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát triển nông nghiệp hàng hóa ở Chợ Mới
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Chợ Mới đã tập trung phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, đây được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2020 - 2025.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Mô hình thâm canh chè theo hướng VietGAP tại xã Như Cố, huyện Chợ Mới

Triển khai thực hiện Nghị quyết, UBND huyện Chợ Mới chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, nhằm thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Huyện cũng thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế, điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, như vùng phía Đông, vùng phía Tây và vùng trung tâm của huyện. Các địa phương trên địa bàn huyện đã tích cực triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tập trung phát triển các cây trồng chủ lực như chè, hồi, quế, cây ăn quả.

Trong những năm gần đây, huyện đã thu hút các doanh nghiệp thực hiện đầu tư sản xuất liên kết theo chuỗi, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho người dân. Do đó, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện trong những năm qua đã từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Người dân địa phương tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đến nay, cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 54,31%, tăng 6,3% so với năm 2008; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp tăng từ 166,17 triệu đồng năm 2008 lên 718,14 triệu đồng năm 2020. 

Cùng với việc áp dụng thâm canh tăng vụ để đảm bảo an ninh lương thực, huyện cũng quan tâm cơ cấu lại lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào việc chuyển đổi hình thức từ quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ bằng việc khai thác các lợi thế của huyện như sản xuất cây chủ lực, cây trồng có giá trị trên một đơn vị diện tích. Với quỹ đất dồi dào, huyện đã đẩy mạnh sản xuất cây lương thực, trong đó, cây lúa nước phát triển tương đối ổn định với diện tích hằng năm khoảng 2.650 ha, năng suất đến nay đạt trên 50 tạ/ha. Sản lượng lương thực tăng từ 11.620 tấn năm 2008 lên 13.567 tấn năm 2020. Để nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, huyện đã đẩy mạnh áp dụng sản xuất lúa cải tiến SRI, cải tạo chất lượng đất chuyên trồng lúa nước. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất như: Vùng chuyên trồng lúa Bao thai nguyên chủng ở các xã phía Tây; trồng ngô, khoai tây tập trung ở các xã trung tâm; thực hiện trồng khoai tây vụ đông, trồng ớt theo hướng liên kết với doanh nghiệp… Toàn huyện có 440 ha diện tích đất ruộng 2 vụ đạt giá trị thu nhập trên 100 triệu đồng/ha.

Trong số các loại cây trồng được phát triển theo hướng hàng hóa tập trung thì cây chè là một thế mạnh của Chợ Mới. Huyện đã phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, từng bước thay thế các giống chè già cỗi bằng các giống chè có chất lượng cao, sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng. Hiện trên địa bàn có khoảng 775 ha chè; có 12,7 ha chè Shan tuyết tại thôn Thái Lạo, xã Yên Cư được cấp giấy chứng nhận sản xuất phù hợp theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; có 40 ha chè Shan tuyết đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP tại xã Yên Cư và xã Yên Hân; có 4 sản phẩm chè Shan tuyết được cấp giấy chứng nhận OCOP. Đối với chè trung du, huyện có 20 ha được cải tạo theo Chương trình VietGap, có 10 ha đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, có 1 sản phẩm chè trung du được cấp giấy chứng nhận OCOP và được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.

Cây ăn quả cũng được địa phương phát triển với diện tích tương đối lớn. Cây cam, quýt hiện nay trên địa bàn huyện có 288 ha, đã được đầu tư thâm canh theo hướng nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu của thị trường. Cây mơ hiện có 346 ha, trong đó có 250 ha cho thu hoạch. Từ năm 2017, huyện đã tổ chức ký kết với Công ty MISAKI để cung cấp sản phẩm phục vụ cho nhu cầu chế biến xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là một thuận lợi trong việc bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định cho Nhân dân.

Cây mơ được Chợ Mới phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, đầu ra thuận lợi
nên đã góp phần nâng giá trị nông sản địa phương

Với lợi thế đất nông nghiệp và thuận tiện về giao thông, hiện nay, huyện Chợ Mới đã và đang triển khai mở rộng diện tích nông sản có giá trị hàng hóa cao. Huyện đã định hướng phát triển sản xuất vùng rau an toàn trên địa bàn xã Như Cố, Yên Đĩnh, thị trấn Chợ Mới. Từ năm 2019, Hợp tác xã (HTX) An Thịnh và HTX Thanh Niên Như Cố được huyện lựa chọn để thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, trong năm 2019, huyện ký kết hợp tác phát triển vùng nguyên liệu khoai tây với Viện Sinh học nông nghiệp - Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Công ty TNHH Thực phẩm ORION VINA. Đây là nền tảng bước đầu để thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, theo chuỗi liên kết và sản xuất nông sản an toàn.

Cùng với trồng trọt, huyện xác định chăn nuôi cũng là lĩnh vực sản xuất quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì vậy, trong những năm qua, huyện chú trọng duy trì và phát triển tổng đàn. Hiện nay, đàn đại gia súc có gần 5.000 con; đàn lợn có trên 7.500 con; đàn gia cầm trên 324.700 con. Những năm gần đây, huyện Chợ Mới cũng như các địa phương trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng... nên đã đã ảnh hưởng tới tổng đàn. Huyện đã chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng định kỳ trên đàn vật nuôi. Địa phương cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi trên địa bàn, đồng thời khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đến liên kết trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện Chợ Mới đã có 1 trang trại chăn nuôi của Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bắc Kạn trên địa bàn xã Thanh Thịnh.

Lĩnh vực lâm nghiệp cũng là một thế mạnh của huyện. Chợ Mới đã thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng, giá trị rừng. Tổng diện tích đất rừng tự nhiên của huyện trên 51.300 ha, trong đó đất rừng phòng hộ trên 8.200 ha, đất rừng sản xuất 43.100 ha đã cơ bản được giao cho cá nhân, hộ gia đình quản lý sử dụng, khai thác theo đúng quy định. Khi “rừng có chủ”, người dân tích cực hơn trong bảo vệ và phát triển rừng, nhờ vậy, nhiều hộ giàu lên từ rừng. Hằng năm, trung bình huyện thực hiện trồng mới 1.800 ha. Địa phương cũng thực hiện khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng bằng nhiều hình thức phù hợp. Mỗi năm, toàn huyện khai thác hơn 55.000 m3 gỗ nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp và HTX chế biến gỗ trên địa bàn và thị trường ngoài huyện, góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống Nhân dân. Độ che phủ của rừng của huyện duy trì trên 70%. Huyện chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai nhiệm vụ trọng tâm kế hoạch cơ cấu lại ngành lâm nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.

Từ định hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, huyện cũng đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Khu Công nghiệp Thanh Bình được đầu tư xây dựng đi vào hoạt động giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn nói chung và lao động bị thu hồi đất tại xã Thanh Bình nói riêng. Tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn được phát triển rộng khắp, giá thị trường tương đối ổn định, hàng hoá phong phú, nhiều chủng loại, đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của cư dân nông thôn. Cơ cấu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông, lâm sản, điều này phù hợp với tiềm năng thế mạnh của địa phương. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng từ trên 17,5 tỷ đồng năm 2008 lên 100 tỷ đồng năm 2020. Tổng mức bán lẻ hàng hóa hiện nay đạt 655 tỷ đồng. Công nghiệp và dịch vụ nông thôn ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân nông thôn.

Kết quả phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung thời gian qua là bước đi đúng hướng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Chợ Mới. Đóng góp của lĩnh vực nông, lâm nghiệp là một điểm sáng để huyện phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra./.

Hương Lan