PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/07/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Phát triển vùng nguyên liệu củ kiệu giai đoạn 2020-2023
Chiều 22/7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa chủ trì cuộc họp bàn về việc phát triển vùng nguyên liệu củ kiệu giai đoạn 2020-2023. Tham dự cuộc họp có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện: Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Mới cùng Công ty TNHH Việt Nam Misaki.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Các đại biểu tham dự cuộc họp  

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe đại diện Công ty TNHH Việt Nam Misaki trình bày kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu củ kiệu giai đoạn 2020-2023.

Với ngành nghề sản xuất kinh doanh xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Nhật Bản, tập trung vào lĩnh vực sơ chế và chế biến quả mơ, gừng trâu non, dưa chuột, củ kiệu…, trong đó củ kiệu là 1 trong những sản phẩm chủ lực của Công ty. Hiện nay, Công ty chưa có nguồn nguyên liệu tập trung, ổn định và lâu dài. Năm 2019, Công ty TNHH Việt Nam Misaki ký hợp đồng với Công ty TNHH Vạn Phúc Cao Bằng triển khai trồng 27 ha kiệu tại các huyện Trùng Khánh, Bảo Lâm, Phục Hòa năng suất đạt từ 20 - 30 tấn/ha. Tại Bắc Kạn, Công ty đã trồng kiệu ở xã Nhạn Môn (Pác Nặm) và xã Vũ Muộn (Bạch Thông) đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, để đáp ứng sản lượng phục vụ xuất khẩu, mỗi năm Công ty cần 500 - 1.000 tấn kiệu, dự kiến trong giai đoạn 2020-2023, mỗi năm cần duy trì 25 - 50ha. Hiện Công ty đã có 01 nhà máy sơ chế kiệu tại tỉnh Cao Bằng và vùng nguyên liệu tương đối ổn định tại đây khoảng 25 ha. Công ty cần phát triển khoảng 25 ha tại Bắc Kạn, trong giai đoạn sau năm 2023, có thể mở rộng thêm diện tích khoảng 50 ha.

Công ty sẽ ký hợp đồng cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng kiệu thu hoạch được với giá năm đầu tiên là 10.000 đồng/kg và những năm tiếp theo tối thiểu 8.000 đồng/kg. Ước tính, mỗi ha trồng kiệu thu hoạch khoảng 15 - 20 tấn, tương đương 120 - 160 triệu đồng/ha. Ngoài ra, khi phát triển vùng nguyên liệu tại Bắc Kạn, Công ty sẽ phối hợp với các doanh nghiệp, hợp tác xã tổ chức sơ chế tại chỗ, từ đó tạo việc làm cho 30 - 50 lao động địa phương với mức lương từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Tại cuộc họp, các ý kiến cũng đồng tình và đánh giá cao về giá trị của cây kiệu, tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân ở địa phương và tăng giá trị, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Trước mắt, huyện Ba Bể sẽ trồng thử nghiệm trên diện tích 9 ha, huyện Bạch Thông 7 ha và phối hợp với Công ty trong việc chọn giống, tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho người dân vụ đầu tiên.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị các địa phương phối hợp với Công ty TNHH Việt Nam Misaki sớm triển khai khảo sát vùng trồng và tuyên truyền tới người dân về tư duy sản xuất hàng hóa để tham gia trồng kiệu, tạo vùng nguyên liệu, đồng thời yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất ở các vùng trồng kiệu tại 2 huyện đảm bảo năng suất và chất lượng tốt nhất./.

Thu Trang