PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

14/04/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn xây dựng phải đảm bảo đúng quy trình quy định
Sự phát triển của nền kinh tế cũng như nhu cầu phá dỡ các công trình cũ đã xuống cấp dẫn đến tỷ lệ xây dựng tại Bắc Kạn mỗi năm tăng cao. Điều này cũng làm phát sinh lớn lượng chất thải rắn xây dựng tại các địa phương trong tỉnh, vì vậy cần phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý về lĩnh vực này.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Chất thải từ các công trình xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến nơi đổ thải theo đúng quy định

Chất thải rắn xây dựng là phế thải do phá dỡ, cải tạo các hạng mục, công trình xây dựng cũ, hoặc do xây dựng các hạng mục, công trình mới (nhà, cầu cống, đường giao thông…) như vôi vữa, gạch ngói vỡ, bê tông, ống dẫn nước, tấm lợp… và các vật liệu khác. Trên địa bàn tỉnh, lượng chất thải rắn xây dựng ngày càng tăng và phát sinh qua các năm. 

Mặc dù trong Nghị định 38/2015/NĐ-CP về Quản lý chất thải và phế liệu quy định, chất thải rắn xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng, tuy nhiên, tình trạng đổ chất thải trái phép, đổ trộm chất thải ra môi trường vẫn còn tiếp diễn. Việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải vẫn chưa được triệt để, đúng quy định, nhất là trong các công trình xây dựng ngoài khu vực đô thị và khu vực nông thôn. Một số dự án đầu tư xây dựng, việc xử lý chất thải rắn chưa tuân thủ theo hồ sơ môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ngập úng, sạt lở đất, đá ảnh hưởng đến cảnh quan và đời sống sinh hoạt, sản xuất của Nhân dân trên địa bàn.

Hiện nay, tốc độ đô thị hóa nhanh cùng với thực tế là các công trình xây dựng, phá dỡ phân tán gây khó khăn cho việc thu gom; chưa có công nghệ phân loại, xử lý, tái chế chất thải rắn nên chưa nâng cao giá trị của chất thải rắn xây dựng. Ngoài ra, phương thức vận hành tại vị trí tập kết mang tính chất tạm thời, không lâu dài nên các giải pháp bảo vệ môi trường chưa đảm bảo.

Để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng đã đề nghị các Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm các quy định về phân loại, lưu giữ, thu gom và vận chuyển chất thải rắn. Trong đó, việc phân loại chất thải rắn xây dựng bao gồm: Chất thải rắn có khả năng tái chế được; chất thải rắn có thể được tái sử dụng ngay trên công trường hoặc tái sử dụng ở các công trường xây dựng khác; chất thải không tái chế, tái sử dụng được và phải đem đi chôn lấp. Chất thải nguy hại được phân loại riêng và quản lý theo quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật hướng dẫn về quản lý chất thải nguy hại.

Sau khi phân loại, chất thải rắn xây dựng không được để lẫn với các chất thải khác và phải được lưu giữ riêng theo quy định. Trong trường hợp chất thải rắn xây dựng thông thường có lẫn với chất thải nguy hại thì phải thực hiện việc phân tách phần chất thải nguy hại. Nếu không thể tách được thì toàn bộ hỗn hợp phải được quản lý như chất thải nguy hại.

Sở Xây dựng cũng yêu cầu, việc vận chuyển đến điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý được cấp phép phải đảm bảo theo thời gian và lộ trình về tuyến đường, an toàn giao thông và tuân thủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông tại địa phương. Các phương tiện vận chuyển chất thải rắn bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định và được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành theo quy định. Trong quá trình vận chuyển, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo không làm rò rỉ, rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi.

Nếu như việc thu gom, vận chuyển rác thải xây dựng tại nguồn đến điểm tập kết, trạm trung chuyển là giải pháp đơn giản, dễ thực hiện thì giải pháp hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường là tái chế chất thải đang được ưu tiên hàng đầu. Theo Quy trình quản lý và xử lý chất thải xây dựng hiện hành, việc xử lý các chất thải rắn từ các công trình xây dựng đã được chuyển hướng, khối lượng ngày càng lớn chất thải được đưa qua khâu tái chế, tái sử dụng trong một số trường hợp trước khi đưa ra bãi chôn lấp. Bê tông, gạch vụn có thể được tái chế thành cốt liệu thô, sử dụng làm vật liệu áo đường hoặc làm vật liệu sản xuất gạch, tấm tường; gỗ, giấy, nhựa sử dụng làm nguyên liệu đốt; nhựa đường có thể tái chế thành vật liệu bê tông nhựa (dạng cốt liệu)… Từ đó cũng hạn chế được lượng chất thải xây dựng ra môi trường.

Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý chất thải rắn xây dựng trên địa bàn, trong thời gian tới, cùng với triển khai công tác chuyên môn, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với các bên liên quan về quản lý chất thải rắn xây dựng; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho cán bộ kỹ thuật các đơn vị về phân loại chất thải rắn xây dựng tại nguồn, thu gom và vận chuyển chất thải rắn xây dựng; nghiên cứu các giải pháp tăng khả năng tái chế chất thải rắn, làm nguyên vật liệu cho các công trình xây dựng…/.

Hương Lan