Độ tương phản
Theo thống kê, tính đến nay, toàn tỉnh đã kiểm kê lập danh mục được 120 di tích; có 71 di tích đã được xếp hạng (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia, 62 di tích cấp tỉnh) và 49 di tích kiểm kê chưa xếp hạng; kiểm kê, nhận diện 204 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để có biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó có 1 di sản văn hóa phi vật thể nhân loại và 20 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã bố trí hơn 2,6 tỷ đồng để đầu tư tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp nhiều di sản văn hóa từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; thực hiện Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020” với tổng kinh phí trên 860 triệu đồng; bố trí 500 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp ngân sách của tỉnh để triển khai Dự án bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lượn Cọi” năm 2022. Cùng với đó, tỉnh đã quan tâm huy động nguồn lực xã hội hóa được khoảng 49 tỷ đồng để thực hiện tu bổ, tôn tạo một số di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh.
Từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã tiến hành lập, phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp đối với 13 di tích, gồm 8 di tích cấp quốc gia, 5 di tích cấp tỉnh; hiện đang hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn và Quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể.
Danh lam thắng cảnh động Nàng Tiên, huyện Na Rì
Công tác quảng bá, giới thiệu giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch ngày càng được quan tâm thực hiện thông qua các hoạt động như xuất bản ấn phẩm, tờ rơi, tập gấp giới thiệu về các khu, điểm du lịch, di tích; tuyên truyền về di sản văn hóa, về du lịch Bắc Kạn trên Báo Bắc Kạn, sóng Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, trên trang/cổng thông tin điện tử, mạng xã hội; thực hiện số hóa Khu di tích lịch sử Nà Tu với mô hình “Tham quan thực tế ảo” tại Khu di tích… Một số di tích đã bước đầu phát huy giá trị gắn với việc phát triển du lịch địa phương như di tích hồ Ba Bể, di tích danh lam thắng cảnh động Nàng Tiên.
Nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa một cách bền vững, năm 2018, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2018 - 2020”. Theo đó, ngành chức năng và các địa phương đã mở các lớp truyền dạy dân ca và bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xây dựng phim tư liệu để giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa đã được đưa vào danh mục quốc gia; đề nghị xét duyệt, phong tặng và truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, ngành chức năng, các địa phươnng đã chỉ đạo thành lập và duy trì các mô hình câu lạc bộ hát Then - đàn Tính cấp huyện, tổ chức lớp dạy hát Then - đàn Tính trong trường học và cho đối tượng công chức văn hóa xã trên địa bàn, hỗ trợ khung cửi và dụng cụ để duy trì mô hình nghề dệt thủ công… Điểm nổi bật là tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cùng các tỉnh có di sản Then lập hồ sơ đề cử “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” và mới đây đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được các cấp, các ngành quan tâm, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu của Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2023 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Đoàn đại biểu Quốc hội thông qua giám sát cũng đã phát hiện và kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo một số nội dung liên quan đến việc trông coi, bảo vệ di tích; kiến nghị tăng cường quảng bá và phát huy các giá trị của di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; đầu tư cơ sở vật chất cho Bảo tàng tỉnh; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, khuyến khích và động viên các diễn viên, nghệ nhân trong việc sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy di sản văn hóa truyền thống của dân tộc; tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác bảo tồn, phát huy di tích; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân trong tham gia bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa…
Tiếp thu ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh, UBND tỉnh vừa có Công văn chỉ đạo ngành chức năng và các địa phương tham mưu, triển khai có hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn, đặc biệt là việc thực hiện các cam kết đã được Chính phủ Việt Nam ký kết với UNESCO đối với các di sản đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên các phương tiện thông tin, truyền thông; thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương thực hiện khảo sát, lập hồ sơ và trình cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng di tích, đồng thời gắn bia di tích, thu hồi đất, đền bù tài sản trên đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với di tích đã được đưa vào danh mục kiểm kê. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu triển khai số hóa các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác lưu trữ, quản lý, nghiên cứu, bảo tồn, khai thác, quảng bá di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; đồng thời tham mưu và triển khai thực hiện các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy tốt hơn các giá trị di sản văn hóa, nhất là gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Quan tâm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác bảo tồn và phát huy di sản. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, năng lực tốt về quản lý di sản văn hóa. Mở các lớp bồi dưỡng, kiểm tra và cấp Thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm du lịch cho các đối tượng có nhu cầu trên địa bàn tỉnh.
UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện có hiệu quả các Đề án về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa; thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát huy tốt hơn các giá trị di sản văn hóa, nhất là gắn với phát triển du lịch trên địa bàn. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao ý thức trong việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa; thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người trông coi các di tích trên địa bàn nâng cao tính tự giác và ý thức trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ di tích được giao.../.
Công tác văn hóa, văn nghệ đảm bảo đúng định hướng, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của địa phương (08/12/2023)
Phát huy giá trị di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch bền vững vùng ATK Chợ Đồn (07/12/2023)
Quan tâm đào tạo nghề gắn với nhu cầu xã hội (07/12/2023)
Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch nổi bật, hấp dẫn sẽ diễn ra trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 (05/12/2023)
Bắc Kạn đẩy mạnh truyền thông về quyền con người (05/12/2023)