PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/06/2020
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Quan tâm phát triển, nâng cao chất lượng y tế cơ sở trong tình hình mới
Đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, đảm bảo phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân là mục tiêu quan trọng của Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Thực hiện Đề án trên, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1196/QĐ-UBND ngày 16/8/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Nhằm củng cố mạng lưới y tế cơ sở, đồng thời đảm bảo tinh gọn cơ cấu tổ chức bộ máy, khai thác hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, tỉnh đã thực hiện sáp nhập Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cấp huyện (thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh) vào trung tâm y tế các huyện, thành phố trực thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, trung tâm y tế các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh thực hiện đầy đủ các chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; trạm y tế xã là đơn vị chuyên môn thuộc trung tâm y tế huyện, thành phố, tăng cường được tính chủ động, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn.

Tỉnh cũng tập trung nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho y tế tuyến xã. Ngoài việc cải tạo, sửa chữa nhỏ theo định kỳ hằng năm, từ năm 2016 đến năm 2019, tỉnh đã đầu tư mới và cải tạo sửa chữa lớn đưa vào sử dụng 24 trạm y tế xã. Năm 2020, tỉnh bố trí 8.678 triệu đồng để cải tạo, sửa chữa trung tâm y tế các huyện Ba Bể, Pác Nặm, Ngân Sơn, Chợ Mới.

Từ nguồn vốn Ngân hàng thế giới (WB), dự kiến hết năm 2020, tỉnh khởi công xây mới và cải tạo, nâng cấp 28 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng. Hiện nay, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; 55% trạm y tế xã thực hiện được tối thiểu 70% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 8/8 trung tâm y tế huyện, thành phố thực hiện được 60-79% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện.

Thực hiện phẫu thuật tại Trung tâm Y tế huyện Pác Nặm

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, công tác đào tạo, nâng cao chất lượng chuyên môn và trình độ quản lý cho đội ngũ viên chức quản lý trạm y tế được thường xuyên quan tâm. Ngành Y tế đã xây dựng kế hoạch, tạo nguồn cán bộ cho tuyến y tế cơ sở như đào tạo bác sĩ theo hệ cử tuyển và theo địa chỉ; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn như cử đi học bác sĩ chuyên tu, dược sĩ đại học, cử nhân điều dưỡng, đào tạo sau đại học, đào tạo bác sĩ theo nguyên lý y học gia đình... Từ năm 2017 đến nay, đã có 102 bác sĩ tuyến xã, 11 bác sĩ tuyến huyện được đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng thường xuyên kiện toàn mạng lưới y tế thôn bản tham gia vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Vì vậy, đến hết năm 2019, đã có 115/122 trạm y tế có bác sĩ theo định biên, 100% trạm y tế xã có bác sĩ hoạt động đảm bảo thực hiện tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân; 100% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các mạng lưới y tế tuyến cơ sở, ngành Y tế đã tăng cường thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của y tế cơ sở; thí điểm thực hiện quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử tại huyện Ba Bể, từ đó đang triển khai đồng bộ tới 100% các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong năm 2020; tích cực thực hiện đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động y tế cơ sở, đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ y tế, thực hiện sự gắn kết giữa y tế tư nhân và y tế công lập trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu trên địa bàn.

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực, tuy nhiên hoạt động của tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn do một số trung tâm y tế và trạm y tế xã đã được đầu tư nhưng còn chật hẹp, xuống cấp, trang thiết bị y tế còn thiếu, lạc hậu, không đồng bộ; chất lượng cung cấp các dịch vụ y tế chưa cao, tỷ lệ thực hiện kỹ thuật theo phân tuyến tại tuyến y tế cơ sở khám chữa bệnh còn thấp so với phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế. Năng lực của cán bộ y tế còn hạn chế, một số đơn vị còn thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn sâu, cán bộ làm công tác quản lý có kinh nghiệm nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến.

Nhằm tiếp tục phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở, hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực thực hiện, phấn đấu 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trong năm 2020, 80% dân số được quản lý theo dõi sức khỏe. Đến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 85% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; duy trì 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.

Để thực hiện đạt các mục tiêu này, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tập trung chỉ đạo, đầu tư cho tuyến y tế cơ sở cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhân lực. Mở rộng độ bao phủ các dịch vụ y tế, phổ cập tiếp cận chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Tăng cường đào tạo, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, các tuyến có đủ năng lực thực hiện danh mục dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến, tiến tới bảo đảm chất lượng từng dịch vụ kỹ thuật đồng đều giữa các tuyến. Đồng thời đẩy mạnh thực hiện quyền tự chủ về nhiệm vụ chuyên môn, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính, tiến tới áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định để khuyến khích các cơ sở y tế đầu tư mở rộng, nâng cấp, hiện đại hoá, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân./.

 

Bích Huệ