PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

24/03/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Quan tâm phát triển nghề công tác xã hội
Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển nghề công tác xã hội trong cộng đồng, qua đó, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, trợ giúp các nhóm đối tượng yếu thế trên địa bàn tỉnh.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Trên cơ sở Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (tại Quyết định số 2652/QĐ-UBND ngày 08/12/2010), các cơ quan chức năng của tỉnh đã phối hợp, liên kết với Trường Đại học Lao động - Xã hội, Trường Cao đẳng Cộng đồng tỉnh Bắc Kạn tổ chức đào tạo được 01 lớp đại học tại chức hệ vừa làm, vừa học chuyên ngành công tác xã hội cho 53 học viên là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội. Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội cho 1.500 lượt học viên là công chức ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể từ cấp huyện đến các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, hằng năm, các sở, ngành của tỉnh cũng đã chủ động cử cán bộ, công chức tham gia các khóa đào tạo giảng viên nguồn về công tác xã hội do Trung ương tổ chức.

Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội cũng được các cấp, ngành quan tâm phát triển. Nhờ đó, đến nay, Bắc Kạn đã có 04 đơn vị liên quan đến công tác xã hội, bao gồm: Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp, Cơ sở Cai nghiện ma túy, Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật, Trung tâm Điều dưỡng người có công với gần 200 viên chức, người lao động. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 18 cơ sở cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 01 Trường cao đẳng, 07 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên công lập cấp huyện, 10 đơn vị khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp.

Tỉnh cũng đã thực hiện rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh giản đầu mối, chú trọng phát triển các nghề chất lượng cao theo nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Trên cơ sở các văn bản phát triển nghề công tác xã hội của các bộ, ngành Trung ương, Bắc Kạn cũng ban hành các văn bản hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác xã hội. Qua đó, nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp đối với công tác xã hội có những biến chuyển tích cực, góp phần giải quyết vấn đề giảm nghèo, lao động, việc làm và an sinh xã hội; giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm để bản thân đối tượng, gia đình, nhóm công đồng tự vươn lên. Cùng với đó cũng thúc đẩy sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức, tôn giáo, cá nhân và cộng đồng xã hội tham gia vào các hoạt động công tác xã hội mang tính từ thiện, nhân đạo theo nghĩa “lá lành đùm lá rách”.

Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi Việt Nam đã trao 100 suất quà cho người khuyết tật,
trẻ mồ côi tỉnh Bắc Kạn tại Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ
tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn lần thứ II, giai đoạn từ 2015 - 2020

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế của địa phương thì việc phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế. Bởi mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội của Bắc Kạn mới hình thành ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là chủ yếu, còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, tính xã hội hóa chưa cao, mới chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản đáp ứng cho các vấn đề cần sự bảo trợ xã hội. Trong khi đó, số lượng người dân, đặc biệt là những người dân có hoàn cảnh đặc biệt như người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS… và các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có nhu cầu trợ giúp xã hội được tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ công tác xã hội còn ít. Các dịch vụ công tác xã hội chưa được cung cấp cho người dân tại cộng đồng và chưa góp phần cải thiện tính hiệu quả của dịch vụ phúc lợi xã hội. Đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội tại các xã, phường, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm nên chưa phát huy được hết vai trò của người nhân viên công tác xã hội và chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của Đề án phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn.

Công tác xã hội là hoạt động mang tính chuyên nghiệp nhằm huy động mọi nguồn lực của người dân, của cả cộng đồng để giải quyết các vấn đề phát sinh, các mâu thuẫn, bất bình đẳng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi và hạnh phúc của con người, vì tiến bộ, công bằng và phồn vinh của xã hội. Vì vậy, với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như tỉnh Bắc Kạn, phát triển nghề công tác xã hội càng có ý nghĩa lớn, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương ổn định, bền vững.

Vì vậy, thời gian tiếp theo, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới các cơ sở có cung cấp dịch vụ công tác xã hội trong các ngành, lĩnh vực và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, cá nhân được phép thành lập theo hướng thực hiện trợ giúp toàn diện, bền vững. Hỗ trợ xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, hệ thống tư pháp, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, ngôi nhà tạm lánh, mô hình nuôi con nuôi, mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn và mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội toàn diện, hỗ trợ sinh kế cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn…

Đồng thời, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho các cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội. Cùng với đó là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, thông tin nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân về công tác xã hội…/.

Thu Cúc