PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

02/12/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Quy hoạch tỉnh kiến tạo động lực phát triển
Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn là một nội dung rất quan trọng của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình cho rằng, đây là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn, là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển trong tương lai.

 PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Bắc Kạn xác định thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm
(Ảnh: Đua thuyền kayak trên hồ Ba Bể)

Xây dựng mục tiêu làm động lực phát triển

Trong giai đoạn 2011 - 2020, Bắc Kạn có tốc độ tăng trưởng bình quân 5,33%/năm. GRDP năm 2020 đạt 12.949 tỷ đồng, cao gấp 2,9 lần so năm 2010, GRDP/người đạt 40,92 triệu đồng.

Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Năm 2020, tỷ trọng các ngành công nghiệp xây dựng (13,91%), nông nghiệp (30,78%), dịch vụ (52,2%), thuế (3,11%). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 đạt 22.500 tỷ, tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015, bình quân tăng 11,3%/năm.

Tuy nhiên, tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi phải có những chủ trương, quyết sách lớn, mang tính căn cơ, vừa có tính khoa học, vừa có tính thực tiễn, được ban hành kịp thời, tạo ra sự đột phá trong phát triển cho tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển, là tiền đề để Bắc Kạn thực hiện mục tiêu từ một tỉnh còn nhiều khó khăn từng bước trở thành tỉnh phát triển khá của vùng.

Bắc Kạn đặt ra mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh có đầy đủ các nền tảng cơ bản của trình độ phát triển trung bình khá so với cả nước. Đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng. Phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và kim loại màu. Xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối quan trọng; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là khu vực nông thôn, chú trọng giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo đảm quốc phòng an ninh.

HTX Hồng Luân (Chợ Đồn) chế biến nông sản để nâng cao chất lượng sản phẩm

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bắc Kạn có nền kinh tế năng động; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững, có môi trường đáng sống; mức phát triển khá so với các địa phương trong cả nước. Xây dựng chiến lược phát triển với tư tưởng “Phát triển từ cội nguồn và nỗ lực tạo ra những thành tựu mới”, từ đó hoạch định các chiến lược phát triển bao gồm: “Khai thác tiềm năng - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển bền vững”.

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 7,5%. Cơ cấu kinh tế ngành dịch vụ chiếm khoảng 54%; ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm khoảng 20%; ngành công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 24%; thuế sản phẩm khoảng 2%. GRDP bình quân/người theo giá hiện hành đạt trên 100 triệu đồng. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 105 nghìn tỷ đồng.

Về xã hội, tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt trên 30%. Tốc độ gia tăng dân số 1,2%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 55%. Số trường chuẩn quốc gia tăng thêm 135 trường. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm; tại huyện nghèo bình quân giảm 3,5%/năm.

Về môi trường, duy trì tỷ lệ che phủ rừng 70%. Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó 80% được sử dụng nước sạch. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị là 100%, nông thôn 60%.

Về quốc phòng an ninh, tăng cường quản lý về quốc phòng, an ninh; chủ động nắm chắc tình hình, không bị động, bất ngờ; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, đảm bảo cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, Bắc Kạn đặt ra mục tiêu tương đối rõ ràng, đây là mục tiêu cao, tham vọng lớn, Thứ trưởng hoan ngênh và đồng tình, ủng hộ, từ đó làm động lực cho phát triển của tỉnh.

Tập trung vào 4 đột phá

Để thực hiện mục tiêu trên, Bắc Kạn tập trung vào 4 đột phá để phát triển, trong đó: Xác định thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm; hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số.

Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, Bắc Kạn tập trung đầu tư vào các tổ hợp dự án du lịch với phạm vi, quy mô lớn, chất lượng dịch vụ cao, đảm bảo bền vững và chuyên nghiệp, đồng bộ hiện đại. Địa phương xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu đối với các loại hình du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch văn hóa, tâm linh, du lịch chuyên đề (khu vui chơi giải trí, khu bảo tồn, cứu hộ động thực vật...); du lịch nghỉ dưỡng kết hợp sân golf, du lịch thể thao mạo hiểm, vui chơi giải trí, du lịch hội nghị, hội thảo. Đưa hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia với các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng, liên kết với các khu du lịch trong vùng trung du miền núi phía Bắc.

Cùng với đó, Bắc Kạn tập trung tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh thông thoáng, minh bạch, thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh; nghiên cứu ban hành hoặc đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, giải phóng các nguồn lực để phát triển du lịch và công nghiệp.

Để tạo nền tảng phát triển các thành phần kinh tế, địa phương tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, khai phá tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với trọng tâm là hệ thống giao thông kết nối các hành lang kinh tế thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc. Ưu tiên triển khai đầu tư các dự án giao thông huyết mạch gồm tuyến đường Chợ Mới - Bắc Kạn - Cao Bằng; tuyến QL3B; tuyến đường trục Đông - Tây (Tuyên Quang - Bắc Kạn - Lạng Sơn) kết nối tuyến cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang và tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh; tuyến Bắc Kạn - Ba Bể - Na Hang (Tuyên Quang) và một số tuyến đường tỉnh, đường huyện khác. Bên cạnh đó, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại thành phố Bắc Kạn, các thị trấn, đô thị trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp với trọng tâm là chế biến nông, lâm sản, chế biến sâu khoáng sản và một số ngành có lợi thế của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong 4 khâu đột phá
(Ảnh: Quốc lộ 3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới)

Bắt nhịp với nền công nghệ tiến tiến, Bắc Kạn chú trọng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ vào thực tiễn sản xuất, nghiên cứu triển khai các chương trình khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt ứng dụng công nghệ số vào một số ngành, lĩnh vực quan trọng, hình thành các phương thức sản xuất, tiêu thụ và quản lý mới.

Để phát triển nguồn nhân lực, Bắc Kạn sẽ triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là giáo dục nghề nghiệp gắn với nhu cầu của thị trường lao động, chú trọng đào tạo nhân lực có trình độ kỹ thuật cao. Khuyến khích thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh. Khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển và phát huy giá trị, truyền thống, bản sắc văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội./.

Hương Lan