PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

22/10/2021
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Hướng đi bền vững
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ để cung cấp thực phẩm an toàn, đồng thời đảm bảo hệ sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường... là mục tiêu tỉnh Bắc Kạn đang thực hiện để hướng tới phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Nhiều mô hình theo tiêu chuẩn hữu cơ

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa trồng trọt tập trung, phát triển các sản phẩm trồng trọt chủ lực có lợi thế của tỉnh, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Dù phương thức sản xuất theo tập quán là phổ biến, nhưng trong đó đã có những biện pháp sản xuất có tính hữu cơ. Tuy nhiên, việc canh tác hữu cơ chưa được hệ thống hoàn chỉnh theo quy trình, quy chuẩn, các bước sản xuất hữu cơ mới chỉ được thực hiện từng phần mang tính chất thói quen, bản địa.

Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các tổ chức, nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) đã có các mô hình nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận và sản phẩm được dán nhãn hữu cơ, hoặc có một số mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. HTX Hương Ngàn là một trong những HTX xây dựng vùng nguyên liệu được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Nhận thấy địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các loại cây dược liệu, trong đó cây sả là loại cây dễ trồng, phù hợp với mọi điều kiện địa hình, thời tiết, nhanh cho thu hoạch, HTX Hương Ngàn đã chọn tinh dầu sả là mặt hàng đầu tiên để sản xuất. Hiện nay, HTX có 19.650 m2 diện tích trồng sả tại xã Kim Lư, huyện Na Rì được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.

Cũng là dược liệu, năm 2020, Công ty Nông sản Bắc Kạn có 40 ha cây nghệ tại xã Cao Tân, Cổ Linh, Bộc Bố, Xuân La của huyện Pác Nặm được công nhận nghệ sản xuất hữu cơ.

Ngoài cây sả, cây nghệ thì cây chè Shan tuyết cũng được người dân địa phương phát triển theo tiêu chuẩn an toàn. Hiện nay, 12,7 ha chè Shan tuyết của HTX Nông nghiệp Thái Lạo thuộc xã Yên Cư huyện Chợ Mới đã được cấp giấy chứng nhận sản phẩm trồng, chế biến đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.

Chè San tuyết của HTX Nông nghiệp Thái Lạo được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn
nông nghiệp hữu cơ

Để giúp cho các HTX biết cách sản xuất an toàn, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ HTX Hoàn Thành (Chợ Đồn), HTX Yến Dương (Ba Bể) sản xuất theo quy trình hữu cơ. Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện các đề tài, dự án khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp có nội dung sản xuất theo hướng hữu cơ như: “Ứng dụng khoa học công nghệ tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè Shan tuyết tại Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn tỉnh Bắc Kạn”; “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cải tạo và phát triển vùng sản xuất chè hàng hóa tại tỉnh Bắc Kạn”; “Xây dựng mô hình phục tráng bí xanh thơm Ba Bể đảm bảo năng suất cao, chất lượng tốt”…

Trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có mô hình nào sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn hữu cơ.

Thực tế hiện nay, nhu cầu chứng nhận sản phẩm hữu cơ là rất thiết thực để đưa nông sản Bắc Kạn vươn ra thị trường, góp phần nâng cao giá trị. Tuy nhiên, việc cấp chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm nông, lâm sản của tỉnh Bắc Kạn chưa nhiều. Mặc dù sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế nhưng tiềm năng để phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là rất lớn.

Lộ trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Là địa phương có nhiều lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển nông, lâm nghiệp nên tiềm năng phát triển các sản phẩm hữu cơ, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của tỉnh rất lớn. Định hướng tiêu thụ sản phẩm hữu cơ chủ yếu phục vụ khách du lịch và đưa vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh, một số tỉnh lân cận và hướng tới xuất khẩu. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có cơ hội rất lớn vươn ra thị trường thế giới. 

Vì vậy, trong Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1% tổng diện tích trồng trọt và đến năm 2030 đạt khoảng 1,5% diện tích đất trồng trọt; 80% sản phẩm OCOP liên quan đến trồng trọt đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Duy trì, phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ. Tổ chức các chuỗi sản xuất liên kết theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Sản phẩm ưu tiên để phát triển sản xuất là các sản phẩm nằm trong danh mục nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, tập quán canh tác, trình độ thâm canh đối với các loại sản phẩm hiện có, Bắc Kạn xác định bố trí ưu tiên thực hiện đối với từng loại sản phẩm. Trong đó, vùng lúa hữu cơ tập trung ở huyện Chợ Đồn, Bạch Thông, Ba Bể và Ngân Sơn. Vùng nghệ hữu cơ tập trung ở huyện Pác Nặm và thành phố Bắc Kạn. Vùng dong riềng hữu cơ tập trung ở 2 huyện Na Rì và Ba Bể. Vùng chè Shan tuyết hữu cơ tập trung chủ yếu ở huyện Chợ Mới và huyện Chợ Đồn. Vùng cây ăn quả hữu cơ tập trung ở huyện Ba Bể, huyện Chợ Đồn; cây mơ tập trung ở huyện Chợ Mới, huyện Bạch Thông và thành phố Bắc Kạn.

Huyện Chợ Mới được xác định là vùng phát triển cây mơ hữu cơ trong giai đoạn tiếp theo

Vùng chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò) được xây dựng gắn với vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vùng trồng trọt sản xuất thức ăn thô xanh hữu tập trung tại huyện Ba Bể, Na Rì, Pác Nặm. Vùng chăn nuôi lợn bản địa tại Na Rì, Ba Bể, Pác Nặm.

Vùng cây lâm sản và dược liệu hữu cơ được xây dựng tập trung ở các huyện Na Rì, Chợ Mới, Chợ Đồn và Bạch Thông…

Nội dung thực hiện tập trung vào công tác đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho cán bộ quản lý các cấp từ tỉnh đến địa phương; thực hiện mô hình trình diễn trong vùng sản xuất định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi theo hình thức hữu cơ; thông tin tuyên truyền, tham quan học tập kinh nghiệm...

Việc xây dựng, thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ có kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các tiêu chuẩn theo quy định. Sản phẩm sản xuất ra được cấp giấy chứng nhận theo quy định quốc gia (hoặc tương đương) về nông nghiệp hữu cơ trên các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh. Những diện tích chưa đạt tiêu chuẩn thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì tiến hành thực hiện cải tạo điều kiện sản xuất, quy trình sản xuất và các yêu cầu khác phù hợp với các tiêu chuẩn theo quy định.

Cùng với xây dựng các chính sách, Bắc Kạn xác định tập trung các giải pháp về tiêu thụ sản phẩm, kết nối thị trường. Trong đó tính toán xây dựng các kênh phân phối, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ theo hướng sản phẩm chất lượng cao; đưa vào các kênh phân phối tại hệ thống các siêu thị toàn quốc; các cửa hàng an toàn thực phẩm; các nhà hàng phục vụ khách du lịch và từng bước định hướng xuất khẩu.

Đối với các sản phẩm OCOP, Bắc Kạn xác định tiếp tục duy trì và phát triển các HTX, tổ hợp tác gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo nguồn đầu ra ổn định cho nông dân. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ tham gia hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.

Việc xây dựng lộ trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đảm bảo phù hợp điều kiện sản xuất của từng địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kế hoạch phát triển của ngành nông nghiệp và lĩnh vực có liên quan, thu hút được các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh và phụ trợ, dịch vụ cho nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của thị trường, phù hợp với “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Chính phủ”. Từ đó phát huy và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương phù hợp với nhu cầu của thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, đời sống của người dân; thu hút được các thành phần kinh tế như doanh nghiệp nhỏ, HTX, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ tham gia sản xuất, kinh doanh và phụ trợ, dịch vụ cho nông nghiệp hữu cơ./.

Hương Lan