PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

11/01/2023
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Sức mua hàng hoá tăng cao dịp cuối năm
Ghi nhận tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn thành phố Bắc Kạn, không khí mua sắm cuối năm khá nhộn nhịp với đa dạng các loại sản phẩm tiêu dùng.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData


Nhiều chương trình khuyến mại cuối năm tại Trung tâm Thương mại Vincom, thành phố Bắc Kạn

Theo đánh giá của Sở Công Thương, nhìn chung, hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh đã phục hồi, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân đã tăng trở lại sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2022 ước đạt 6.760 tỷ đồng, tăng 5,79% so với năm 2021, đạt 107,3% so với kế hoạch 2022. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng 12/2022 so với tháng trước tăng 0,11%, so với cùng kỳ năm trước tăng 4,55%. Chỉ số giá trong tháng tăng do tác động tăng giá ở một số nhóm hàng hóa như hàng ăn và dịch vụ ăn uống, may mặc… phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán 2023.

Tình hình thị trường Bắc Kạn giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 diễn ra khá sôi động, tính đến thời điểm hiện tại, sức mua hàng hóa bắt đầu tăng, dự báo thị trường hàng hoá Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 có nhiều khởi sắc.

Các doanh nghiệp nhận định, đây là thời điểm thị trường sôi động nhất trong năm nên đã dự trữ nhiều hàng hoá thiết yếu và hàng tiêu dùng để phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân. Qua tìm hiểu thị trường khu vực thành phố Bắc Kạn cho thấy, lượng dữ trữ hàng hoá trong các tổ chức và hộ kinh doanh số lượng cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng trong dịp Tết. Hàng hóa được các thương nhân chuẩn bị đảm bảo nguồn cung, chất lượng, phong phú, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Nhiều doanh nghiệp cung ứng, đại lý, siêu thị, nhà phân phối đã hoàn tất kế hoạch tăng lượng hàng dự trữ, tập trung vào hàng hoá thiết yếu và các sản phẩm được người tiêu dùng mua sắm nhiều dịp Tết; đồng thời triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá để đẩy mạnh tiêu thụ.

Theo quy luật thị trường, vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, sức mua thường tăng cao hơn so với bình thường từ 10 - 12%, một số nhóm mặt hàng tăng từ 20 - 30%. Vì vậy, việc nắm bắt nhu cầu thị trường và chuẩn bị hàng hóa bảo đảm đáp ứng nhu cầu người dân cả số lượng và chất lượng là giải pháp quan trọng giúp ổn định thị trường hàng hóa.

Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão, giá các một số mặt hàng có sự tăng nhẹ so với những tháng trước nhưng không có biến động lớn. Các cơ sở kinh doanh thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, không có hiện tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Theo ghi nhận tại các chợ trên địa bàn thành phố Bắc Kạn, giá thịt lợn từ 95.000 đồng/kg đến 100.000 đồng/kg; giá gà thịt từ 80.000 đồng/kg đến 120.000 đồng/kg tuỳ loại; giá gạo tẻ 16.000 đồng/kg đến 20.000 đồng/kg; giá gạo nếp 30.000 đồng/kg đến 35.0000 đồng/kg; giá miến vùng miền dao động từ 60.000 đồng/kg đến 80.000 đồng/kg tùy loại; giá mộc nhĩ 130.000 đồng/kg đến 150.000 đồng/kg; giá nấm hương 270.000 đồng/kg đến 300.000 đồng/kg; giá măng khô từ 220.000 đồng/kg đến 280.000 đồng/kg; cam Bắc Kạn từ 15.000 đồng/kg đến 20.000 đồng/kg; quýt Bắc Kạn từ 10.000 đồng/kg đến 20.000 đồng /kg… Đây đều là những mặt hàng tiêu thụ nhiều vào dịp Tết.


Năm nay, quýt Bắc Kạn vẫn giữ được một khối lượng nhỏ hàng cuối vụ vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão
(Ảnh: Quýt được bày bán tại Chợ Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn)

Thị trường các mặt hàng “Tiễn ông Táo về trời” cũng trở nên sôi động từ 15 tháng chạp. Giá cá chép vàng dao động từ 10.000 đồng - 30.000 đồng mỗi con. Bộ vàng mã cúng ông Công, ông Táo có giá dao động từ 25.000 đồng trở lên tuỳ loại. Tính đến ngày 20 tháng chạp, giá mặt hàng này tương đương năm trước.


Dãy kinh doanh hàng mã tại Chợ Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn


Cá chép "tiễn ông Táo về trời" giá dao động từ 10.000 đ - 30.000 đ mỗi con tuỳ loại
(Ảnh: Khách hàng mua cá chép tại khu vực Chợ Đức Xuân)

Khi nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng cao vào dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 sẽ kéo theo nguy cơ gia tăng hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự và sức khỏe của người dân. Do đó, để góp phần ổn định thị trường, cùng với việc triển khai hiệu quả chương trình bình ổn, các lực lượng chức năng cũng đang triển khai kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại.

Để ổn định thị trường hàng hóa, cùng với nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước cần sự chung tay, góp sức của chính những người tiêu dùng. Ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên tích trữ quá nhiều hàng hóa; hãy kiểm tra kỹ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm khi mua và nói không với hàng lậu, hàng nhái, hàng kém chất lượng./.

Hương Lan