PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

12/11/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm hại trẻ em
Những năm qua, công tác bảo vệ trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng đã được các cấp, các ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm, song tình trạng xâm hại trẻ em thời gian gần đây có xu hướng diễn biến phức tạp.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng mà còn diễn ra ngay trong môi trường gia đình. Đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi. Các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em thường xảy ra như bạo lực trẻ em, xâm hại tình dục...; nhiều vụ xâm hại trẻ em do chính người thân trong gia đình thực hiện gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương, vi phạm nghiêm trọng đạo đức lối sống và truyền thống văn hóa tốt đẹp. Số liệu thống kê cho thấy, số trẻ em bị xâm hại từ 2021 đến tháng 11/2022 là 31 trẻ, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm 90%.

Nhận định về nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết chủ yếu là do nhận thức pháp luật của một số người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, chưa nhận thức được hành vi của mình đã thực hiện là vi phạm pháp luật, phổ biến nhất là hành vi giao cấu với trẻ em. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trẻ em ở một số địa phương chưa thực sự được coi trọng, hiểu biết về pháp luật và kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em một số bộ phận người dân còn thấp nên tình trạng trẻ em bị xâm hại vẫn còn xảy ra. Tình trạng cha mẹ đi làm ăn xa, ít có thời gian quan tâm, chăm sóc con cái; thiếu kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em. Ảnh hưởng của một số thông tin xấu trên mạng internet cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xâm hại đối với trẻ em.

Thời gian qua, nhất là trong năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về thực hiện công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; trên cơ sở đó, ngành chức năng và các địa phương cũng đã tích cực triển khai thực hiện.

Diễn đàn “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” năm 2022 tại huyện Chợ Đồn

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ (phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ). Công tác tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em được chú trọng đổi mới cả về nội dung và hình thức. Các tài liệu tuyên truyền về phòng, chống xâm hại và tai nạn thương tích đối với trẻ em được biên soạn với nội dung dễ hiểu, dễ thực hiện, trong đó đề cập sâu đến phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em như: Phân biệt rõ về các hình thức xâm hại tình dục trẻ em; trách nhiệm của cộng đồng, gia đình và trẻ em trong việc ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; các dạng tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em; một số biện pháp phòng, tránh tai nạn thương tích ở trẻ em... Trong năm 2021, 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức cấp phát 80.340 tờ rơi tuyên truyền về Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111; 6.058 tờ rơi truyền thông về kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em dành cho cha mẹ và thành viên trong gia đình. Cùng với đó, việc truyền thông được thực hiện trực tiếp đến các đối tượng là trẻ em, cha mẹ trẻ em, người chăm sóc trẻ em, cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ trẻ em, đội ngũ cộng tác viên trẻ em ... để thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em ngay tại cộng đồng.

Để thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, nhiều Diễn đàn trẻ em đã được tổ chức; năm 2022, Diễn đàn trẻ em tỉnh Bắc Kạn lần thứ chín đã diễn ra với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”, góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, hành động của các cấp, các ngành và toàn xã hội về thực hiện quyền trẻ em, hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, bình đẳng và lành mạnh cho mọi trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại được chính quyền các cấp và ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, thực hiện kịp thời; các vụ việc xâm hại trẻ em được khẩn trương tiến hành điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật, không để vụ việc kéo dài. Trong năm 2021, cơ quan điều tra các cấp Công an tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận, giải quyết 28 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến trẻ em; quyết định khởi tố 20 vụ án/19 bị can, trong đó kết luận điều tra, chuyển Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 10 vụ/11 bị can; đang điều tra 10 vụ/8 bị can. Từ đầu năm 2022 đến ngày 10/11/2022, cơ quan điều tra các cấp Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 16 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến trẻ em, quyết định khởi tố 14 vụ án/18 bị can, trong đó kết luận, điều tra chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố 6 vụ/6 bị can, đang điều tra 8 vụ/12 bị can (giảm 6 vụ án, 1 bị can so với cùng kỳ năm 2021).

Để phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, đưa mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Ngành chức năng và các địa phương thường xuyên kiểm tra các cơ sở hoạt động dịch vụ văn hóa để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với mọi hành vi tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy, bạo lực, kích động đối với trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Tăng cường chỉ đạo điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em kết hợp với công tác đấu tranh, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên, học sinh và vận động Nhân dân tố giác kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em. Tổ chức tốt các phiên tòa lưu động, phiên tòa giả định đối với các vụ án xâm hại trẻ em. Điều tra, xử lý nghiêm khắc các vụ án xâm hại trẻ em nói chung và xâm hại tình dục trẻ em nói riêng; giảm tối đa các tổn hại do bạo lực, xâm hại gây ra cho trẻ em. 

Đồng thời phải tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng; chủ động huy động nguồn lực từ xã hội, các tổ chức quốc tế và cá nhân; phát huy có hiệu quả hoạt động của Quỹ bảo trợ trẻ em ở các cấp hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị xâm hại có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.../.

Bích Huệ