PublishingPortal - Block_BanTin_Toolbar

21/11/2022
Tăng cỡ chữ Giảm cỡ chữ
Tăng cường các giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH những tháng cuối năm
Năm 2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế phải đạt ≥ 95% dân số; số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đạt 96,64%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 96,1% số người thuộc diện tham gia; số người tham gia bảo hiểm tự nguyện đạt tốc độ tăng trưởng 30% so với số người tham gia năm 2021. Theo dự ước, một số chỉ tiêu sẽ đạt và vượt kế hoạch song cũng còn có chỉ tiêu đạt thấp, khả năng không đạt yêu cầu đề ra.

PublishingPortal - Block_BanTin_ViewData

Theo tổng hợp, báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, dự kiến đến ngày 31/12/2022, số người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) có khoảng 310.150/322.810 người, chiếm tỷ lệ 96%; số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc có 22.900/22.523 người, đạt 101,6% chỉ tiêu giao, tăng 0,8% so với năm 2021; số người tham gia BHXH tự nguyện có 10.800/12.960 người, đạt 83,3% chỉ tiêu giao, tăng 0,07% so với năm 2021; số người tham gia BHXH thất nghiệp có 17.033/16.515 người, đạt 103,1% chỉ tiêu giao, tăng 1,62% so với năm 2021.

Lý giải về nguyên nhân tỷ lệ bao phủ y tế chưa đạt chỉ tiêu Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 546/QĐ-TTg là 97%; số người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo Quyết định số 846/QĐ-TTg ngày 4/6/2021, một số xã thuộc khu vực III, khu vực II của tỉnh Bắc Kạn đã đạt chuẩn nông thôn mới nên không được Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng; bên cạnh đó, một bộ phận người dân còn có tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên chưa tham gia BHYT theo hộ gia đình. Cùng với đó, mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn áp dụng từ ngày 1/1/2022 đã tăng lên 1.500.000 đồng/tháng (mức cũ là 700.000 đồng/tháng), dẫn đến mức đóng BHXH tự nguyện tăng lên, người dân trên địa bàn chủ yếu lựa chọn tham gia ở mức thấp nhất theo chuẩn nghèo cũ, nay điều chỉnh tăng không có điều kiện tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện nên dừng đóng. Mặt khác, hoạt động kinh tế của tỉnh chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, chịu ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố thời tiết, thiên tai dịch bệnh, thu nhập thấp không ổn định, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên chưa thu hút được nhiều lao động của địa phương; có khoảng 30.000 đến 35.000 người trong độ tuổi lao động của địa phương đều đi làm công nhân tại các khu công nghiệp của tỉnh khác và tham gia bảo hiểm tại đó.

Tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh tại thành phố Bắc Kạn tham gia BHXH tự nguyện

Để gia tăng số người tham gia BHXH, BHYT những tháng cuối năm 2022, các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cần thường xuyên đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp phát triển người tham gia, nhằm hoàn thành chỉ tiêu được giao. Quyết liệt rà soát, khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN từ dữ liệu do cơ quan Thuế và các cơ quan liên quan cung cấp theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam, tổ chức thanh tra chuyên ngành đối với các đơn vị chưa tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ cho người lao động để yêu cầu đơn vị sử dụng lao động đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Phân công lãnh đạo, cán bộ tập trung bám sát đơn vị, các ngành chức năng để lập danh sách người thuộc hộ cận nghèo; hộ gia đình nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên để vận động tham gia BHYT. Phối hợp các đơn vị quản lý đối tượng, các tổ chức dịch vụ tăng cường giải pháp đôn đốc, vận động người tham gia BHYT hết hạn sử dụng thẻ BHYT nhưng chưa tham gia lại để vận động tiếp tục tham gia. Các tổ chức dịch vụ mở rộng mạng lưới nhân viên, cộng tác viên tăng cường các giải pháp tuyên truyền, vận động linh hoạt, phù hợp để phát triển ngưòi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu theo cam kết với cơ quan BHXH…/.